Phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài
Sau gần 40 năm Đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu vô cùng quan trọng. Trong những thành tựu to lớn ấy có sự đóng góp vô cùng quý báu của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với hơn 6 triệu người đang sinh sống, làm việc tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Nói đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là nhắc tới những người con đất Việt xa Tổ quốc nhưng luôn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống văn hóa và hướng về cội nguồn, dòng tộc, gắn bó với gia đình, quê hương. Dù ở đâu, làm gì, dù khó khăn, gian khổ đến đâu, họ vẫn luôn đóng góp tinh thần, vật chất, sức lực, trí tuệ, kể cả hy sinh xương máu cho đất nước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Với quan điểm: “Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm sâu sắc, không ngừng đổi mới tư duy, đề ra đường lối, chính sách đúng đắn về công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Minh chứng rõ ràng là chúng ta đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ để bà con ổn định, hội nhập tốt và phát triển mạnh trong xã hội nước sở tại; ban hành nhiều chính sách theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho bà con về nước sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh, bảo đảm quyền lợi của công dân Việt Nam ở nước ngoài tương đương người dân trong nước; phát huy vai trò cầu nối của người Việt Nam ở nước ngoài trên các lĩnh vực khoa học và công nghệ, kinh tế, thương mại, văn hóa, xã hội...
Những quan điểm, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta đã tạo lòng tin vững chắc đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Đồng bào ta ở nước ngoài ngày càng hướng về quê hương, chủ động và tích cực tham gia các hoạt động đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học và công nghệ, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, nhân đạo, từ thiện, đóng góp cho tiến trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Ước tính, trong vòng hơn 30 năm qua, tổng lượng kiều hối chuyển về trong nước đạt hơn 200 tỷ USD. Tính đến hết năm 2023, người Việt Nam ở nước ngoài đã đầu tư 421 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD. Đặc biệt, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều hoạt động thiết thực, đóng góp vào công cuộc bảo vệ chủ quyền, biển, đảo của đất nước như tổ chức các hoạt động hướng về biển, đảo Tổ quốc, thành lập các Câu lạc bộ vì Trường Sa - Hoàng Sa ở nhiều quốc gia...
Phải khẳng định, Ðảng và Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm, chủ trương coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời, là nguồn lực quan trọng của dân tộc Việt Nam. Tại buổi tiếp Đoàn đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu nhân dịp về nước dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mong muốn, 6 triệu đồng bào ta ở nước ngoài sẽ muôn người như một, cùng một niềm tin, ý chí, nỗ lực hướng tới thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc…
Khẳng định rõ thêm vị trí, vai trò này, phát biểu tại phiên toàn thể Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 trong khuôn khổ Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư diễn ra ngày 22-8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Xây dựng và phát triển cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là cầu nối quan trọng, nguồn lực, động lực thúc đẩy tiến trình hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để đất nước ta bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong thế giới ngày nay”.
Rõ ràng, trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng có ý nghĩa quan trọng. Chúng ta cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nhất quán chủ trương của Đảng và Nhà nước, coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Trong đó cần thực hiện tốt Chỉ thị số 45-CT/TƯ ngày 19-5-2015 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới; Kết luận số 12-KL/TƯ ngày 12-8-2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần mang tính đồng bộ, toàn diện, bao trùm và xác định rõ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Với tình yêu quê hương, đất nước, chúng ta có thể tin tưởng, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục phát huy cao nhất bản lĩnh, trí tuệ, ngày càng phát triển vững mạnh, đóng góp nhiều nguồn lực quan trọng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phấn đấu đưa đất nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045...