Điểm nóng

Iran và khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân: Tình hình Trung Đông càng thêm khó lường

Thùy Dương 24/08/2024 - 06:49

Căng thẳng trong quan hệ Iran và Israel đã leo thang đến mức chưa từng có. Sự thù địch gia tăng dường như đang hối thúc quốc gia Hồi giáo này đẩy nhanh chương trình hạt nhân. Cộng đồng quốc tế lo ngại, nếu Iran sở hữu loại vũ khí hủy diệt này, tình hình khu vực vốn ẩn chứa nhiều bất ổn sẽ càng thêm khó lường.

i-ran.jpg
Nhà máy điện hạt nhân Bushehr (Iran). Ảnh: Majid Asgaripour

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Turner hôm 18-8 đã bày tỏ sự lo ngại về khả năng Iran sẽ tuyên bố là một quốc gia có vũ khí hạt nhân vào cuối năm nay. Diễn biến này đặt ra những câu hỏi về khả năng phát triển hạt nhân của Tehran trong một khoảng thời gian ngắn vừa qua.

Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mang tên Kế hoạch hành động chung (JCPOA) giữa Iran và nhóm P5+1 (5 nước thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ) và Đức), đã áp đặt những hạn chế nghiêm ngặt đối với các hoạt động hạt nhân của Iran. Cụ thể, Tehran bị hạn chế làm giàu urani ở độ tinh khiết không quá 3,67%, duy trì kho dự trữ khoảng 300kg, cũng như chỉ vận hành các máy ly tâm IR-1 thô sơ. Tuy nhiên, từ khi chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận này, Iran đã liên tục thúc đẩy tham vọng hạt nhân của mình.

Iran đã vượt quá ngưỡng làm giàu uranium theo thỏa thuận tại nhiều địa điểm, tích trữ một lượng uranium làm giàu cấp độ thấp vượt xa mức giới hạn, đồng thời mở rộng số lượng và đầu tư mạnh vào nghiên cứu, phát triển máy ly tâm. Nhiều thông tin cho biết, mức độ làm giàu uranium ở độ tinh khiết của Iran đã đạt tới ít nhất là 84%, gần với ngưỡng 90% cần thiết cho vật liệu cấp vũ khí. Trong nhiều năm, các nhà lãnh đạo Iran liên tục khẳng định, chương trình hạt nhân của nước này chỉ nhằm mục đích hòa bình và chứng minh điều đó bằng cách viện dẫn một sắc lệnh tôn giáo do Lãnh đạo tối cao Ali Khamenei ban hành, trong đó có việc cấm mua bán và sử dụng vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, những lời lẽ gần đây từ các quan chức Iran cho thấy, đã có một sự thay đổi tiềm tàng trong chính sách về vũ khí hạt nhân. Quốc gia Hồi giáo này đang thảo luận công khai về khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân. Kamal Kharrazi, cố vấn cấp cao về chính sách đối ngoại của lãnh đạo tối cao Ali Khamenei nói rằng, Iran có thể xem xét lại chiến lược hạt nhân. Điều này đã phản ánh lập trường cứng rắn hơn của nước này về vấn đề hạt nhân. Cùng với đó nhà lập pháp Iran Ahmad Bakhshayesh Ardestani đã công khai ám chỉ việc Nhà nước Hồi giáo có thể đã sở hữu vũ khí hạt nhân - một tuyên bố nếu đúng sẽ làm thay đổi đáng kể bối cảnh chiến lược ở Trung Đông.

Đây không phải là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo Iran ám chỉ rằng, tham vọng hạt nhân của quốc gia này có thể vượt ra ngoài mục đích hòa bình. Cựu Phó Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Motahari đã thừa nhận vào năm 2022: "Ngay từ đầu, khi chúng tôi tham gia vào hoạt động hạt nhân, mục tiêu của chúng tôi là chế tạo bom và tăng cường lực lượng răn đe nhưng chúng tôi không thể giữ bí mật về vấn đề này".

Trước những diễn biến này, năm 2022, Pháp, Đức và Anh đã ban hành một tuyên bố chung gửi tới Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về chương trình hạt nhân của Iran. Trước đây, cộng đồng tình báo Mỹ từng khẳng định, không có dấu hiệu nào cho thấy Iran theo đuổi vũ khí hạt nhân, nhưng đã phải sửa đổi đánh giá của mình.

Sự tiến triển nhanh chóng trong chương trình hạt nhân và các cuộc thảo luận ngày càng cởi mở về vũ khí hạt nhân đang làm gia tăng quan ngại về hướng về Iran. Với tình hình hiện tại, mọi hy vọng khôi phục JCPOA đang ngày càng xa vời. Nếu Iran muốn trấn an cộng đồng quốc tế về bản chất hòa bình của chương trình hạt nhân, nước này cần thực hiện các bước cụ thể để giảm mức độ làm giàu uranium như thỏa thuận năm 2015. Mặt khác, nước này cần xem xét việc cho phép các thanh tra viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tiếp cận đầy đủ để giám sát việc tuân thủ các quy tắc của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân mà Tehran là một bên tham gia.

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Iran và Israel, chương trình hạt nhân của Tehran đang đặt ra những rủi ro đáng kể cho khu vực. Ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân là mong muốn của cộng đồng quốc tế. Cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân không chỉ làm giảm bớt các nguy cơ tiềm ẩn ở Trung Đông mà còn góp phần thúc đẩy an ninh và hòa bình trong khu vực.