Tin tức đặc biệt trên báo in Hànộimới ngày 24-8-2024
Phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài; Mạnh tay xử lý cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm; Dự án mở rộng tuyến đường Âu Cơ - Nghi Tàm (quận Tây Hồ): Hiệu quả sau thực hiện chất vấn; Ngày 27-8, công bố phương án tiếp nhận học sinh vào Trường Tiểu học Tây Mỗ 3; Cải tạo gần 3.840m tuyến kênh tiêu Phùng Xá - Dị Nậu (Thạch Thất)… là những thông tin đáng chú ý trên Báo Hànộimới số ra ngày 24-8-2024.
Phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài
Sau gần 40 năm Đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu vô cùng quan trọng. Trong những thành tựu to lớn ấy có sự đóng góp vô cùng quý báu của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với hơn 6 triệu người đang sinh sống, làm việc tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Phải khẳng định, Ðảng và Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm, chủ trương coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời, là nguồn lực quan trọng của dân tộc Việt Nam. Tại buổi tiếp Đoàn đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu nhân dịp về nước dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mong muốn, 6 triệu đồng bào ta ở nước ngoài sẽ muôn người như một, cùng một niềm tin, ý chí, nỗ lực hướng tới thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc…
Khẳng định rõ thêm vị trí, vai trò này, phát biểu tại phiên toàn thể Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 trong khuôn khổ Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư diễn ra ngày 22-8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Xây dựng và phát triển cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là cầu nối quan trọng, nguồn lực, động lực thúc đẩy tiến trình hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để đất nước ta bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong thế giới ngày nay”.
Mạnh tay xử lý cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm
Từ đầu năm đến nay, các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về an toàn thực phẩm. Số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuy lớn nhưng nhỏ lẻ, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thực phẩm. Để hạn chế các vụ ngộ độc, các ngành chức năng kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Từ nay đến cuối năm, nhu cầu sử dụng thực phẩm tươi sống, thức ăn đường phố ở các nhà hàng ăn uống, bữa ăn đông người, bếp ăn tập thể, khu du lịch… có xu hướng tăng cao. Để không xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, các địa phương cần tăng cường phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình. Đặc biệt, các địa phương chú trọng biện pháp giám sát, hướng dẫn phù hợp đối với dịch vụ nấu ăn lưu động, liên hoan, tiệc cưới, đám giỗ đông người.
Dự án mở rộng tuyến đường Âu Cơ - Nghi Tàm (quận Tây Hồ):
Hiệu quả sau thực hiện chất vấn
Hoạt động giám sát trực tiếp tại kỳ họp luôn được HĐND thành phố Hà Nội đề cao, qua đó làm rõ các vấn đề dân sinh bức xúc, truy trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực phụ trách để cử tri theo dõi, giám sát. Dự án mở rộng tuyến đường Âu Cơ - Nghi Tàm trên địa bàn quận Tây Hồ là ví dụ điển hình, cho thấy rõ hiệu quả hoạt động giám sát sau chất vấn và rất cần nhân rộng trong thời gian tới .
Trong tổng thể chung của dự án, dự án mở rộng tuyến đường Âu Cơ - Nghi Tàm là tuyến đường hết sức quan trọng ở cửa ngõ Tây Bắc của Thủ đô, được kỳ vọng sẽ giúp giải tỏa ùn tắc, bảo đảm giao thông kết nối trung tâm Hà Nội với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Được khởi công xây dựng từ tháng 6-2020, theo kế hoạch ban đầu dự án sẽ hoàn thành năm vào năm 2021. Tuy nhiên, sau gần 4 năm thi công, dự án vẫn chưa hoàn thiện do quá trình thi công có nhiều thay đổi về thiết kế, phương án thi công, dịch Covid-19 bùng phát. Vậy nên, các bên liên quan đã có 4 lần điều chỉnh thời hạn thực hiện dự án.
Tuyến đường thực hiện dở dang, gây khó khăn trong giao thông và cuộc sống của người dân. Vì vậy, cử tri quận Tây Hồ kiến nghị nhiều lần tới các cấp, ngành chỉ đạo thúc đẩy nhanh hoàn thành tiến độ dự án.
Ngày 27-8, công bố phương án tiếp nhận học sinh vào Trường Tiểu học Tây Mỗ 3
Chiều 23-8, UBND quận Nam Từ Liêm tổ chức hội nghị trao đổi thông tin về phương án bố trí học sinh vào Trường Tiểu học Tây Mỗ 3 (quận Nam Từ Liêm) năm học 2024-2025. Tại hội nghị, nhiều phụ huynh học sinh bày tỏ nguyện vọng được cho con đi học ở gần nhà hơn, cụ thể là được cho con theo học Trường Tiểu học Tây Mỗ 3 từ năm học 2024-2025.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Đỗ Thị Thúy Hà bày tỏ chia sẻ với sự vất vả cũng như nguyện vọng của phụ huynh học sinh; khẳng định chủ trương của quận là cố gắng tiếp nhận 520 học sinh vào học ở trường công lập trên địa bàn. Quận sẽ xây dựng phương án tiếp nhận bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, bảo đảm điều kiện tốt nhất cho con em nhân dân và sẽ thông báo phương án cụ thể vào ngày 27-8.
Cải tạo gần 3.840m tuyến kênh tiêu Phùng Xá - Dị Nậu (Thạch Thất)
UBND thành phố Hà Nội vừa có Quyết định số 4312/QĐ-UBND phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp kênh tiêu Phùng Xá - Dị Nậu (huyện Thạch Thất). Dự án nhằm bảo đảm tiêu thoát nước cho 382ha đất sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp và dân sinh của các xã: Phùng Xá, Dị Nậu (huyện Thạch Thất); tạo điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nhân dân; chống lấn chiếm, vi phạm hành lang công trình, giảm ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư, gồm các hạng mục chính: Cải tạo, nâng cấp tuyến kênh tiêu Phùng Xá - Dị Nậu dài gần 3.840m; kiên cố hóa bờ trái kênh kết hợp làm đường giao thông nông thôn với chiều dài khoảng 3.429m; cải tạo, nâng cấp các công trình trên kênh…
UBND thành phố giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố tổ chức quản lý, thực hiện dự án đúng quy định của pháp luật và thành phố về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, quản lý chất lượng công trình, quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, thực hiện các gói thầu bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, hoàn thành đúng tiến độ quy định; sử dụng vốn ngân sách nhà nước đầu tư triệt để tiết kiệm, không để xảy ra thất thoát, lãng phí vốn đầu tư; phối hợp các địa phương trong vùng dự án tổ chức thực hiện tốt công tác giám sát cộng đồng theo quy định, công bố công khai các thông tin của dự án để nhân dân vùng dự án biết và tham gia giám sát.
Sở NN&PTNT thực hiện trách nhiệm của sở quản lý xây dựng công trình chuyên ngành về đầu tư, quản lý chất lượng công trình; trách nhiệm của cơ quan nhà nước chuyên ngành về giám sát và đánh giá đầu tư bảo đảm thực hiện dự án đúng quy định.
Các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các thủ tục liên quan đến quản lý đầu tư, sử dụng, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định pháp luật và thành phố.