Bộ Y tế: Việc công bố dịch sởi phụ thuộc khả năng đáp ứng của địa phương
Bộ Y tế đánh giá có 18 tỉnh, thành nằm trong nhóm nguy cơ bùng phát dịch như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Long An, Sóc Trăng, Bình Phước, Kiên Giang, Quảng Nam, Gia Lai, Đắk Lắk...
Bộ Y tế đánh giá có 18 tỉnh, thành nằm trong nhóm nguy cơ bùng phát dịch như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Long An, Sóc Trăng, Bình Phước, Kiên Giang, Quảng Nam, Gia Lai, Đắk Lắk, Tây Ninh, Bến Tre, Bình Dương, Cà Mau...
Tính từ đầu năm đến nay, thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận hơn 500 ca mắc sởi, trong đó 3 trường hợp tử vong.
Tiến sỹ Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng việc công bố dịch sởi cần tuân thủ theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm và theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đánh giá về dịch sởi tại thành phố Hồ Chí Minh, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho hay: "Thành phố Hồ Chí Minh mặc dù có số ca mắc cao nhưng ngay từ đầu đã chuẩn bị rất tốt, có kế hoạch tiêm chủng vaccine sởi để chuẩn bị cho đợt dịch này. Đối với việc công bố dịch, sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố chính, đó là theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và khả năng đáp ứng của địa phương.”
Ông Đức cũng thông tin, theo Luật Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, thành phố Hồ Chí Minh đã đủ căn cứ để công bố dịch sởi. Tuy nhiên, việc công bố dịch còn căn cứ vào khả năng đáp ứng của thành phố.
Theo quy định với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B, trong đó có bệnh sởi thì một xã, phường, thị trấn được coi là có dịch khi có số người mắc bệnh vượt quá số mắc trung bình của tháng cùng kỳ ba năm gần nhất. Một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được coi là có dịch khi có từ 2 xã có dịch trở lên. Một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được coi là có dịch khi có từ 2 huyện có dịch trở lên.
Tiến sỹ Hoàng Minh Đức cho hay: "Như vậy, theo quy định, thành phố Hồ Chí Minh có thể công bố dịch sởi. Tuy nhiên, việc công bố dịch ngoài theo quy định của luật còn căn cứ theo khả năng đáp ứng, nguồn lực và đánh giá chuyên môn của thành phố. Việc công bố dịch hay không sẽ do địa phương quyết định."
Theo quy định, khi công bố dịch, vaccine và tất cả nguồn lực cần thiết các địa phương sẽ sử dụng tại chỗ, Trung ương sẽ không hỗ trợ vì Trung ương chỉ hỗ trợ vaccine cho chương trình tiêm chủng thường xuyên, còn việc chống dịch thì địa phương phải tự chủ động.
Tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã ghi nhận hơn 2.000 ca mắc, trong đó thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận hơn 500 ca mắc.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, bệnh sởi đã xuất hiện tại 57 phường xã, 16 quận, huyện; trong đó 9 quận huyện có 2 ca trở lên, 3 quận huyện có số ca sởi cao nhất là huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, quận Bình Tân. Đáng chú ý, năm 2024, thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong do mắc bệnh sởi.
Bà Angela Pratt - Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam chỉ rõ tại Việt Nam, hàng trăm nghìn trẻ em đã không được tiêm chủng từ năm 2021 tạo nên sự suy giảm trong tiêm chủng chưa từng thấy. Kết quả là số ca mắc các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine đang gia tăng như: Bạch hầu, ho gà đặc biệt là sởi đang lây nhiễm rất mạnh mẽ hiện nay.
Tại Hội nghị hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng thế giới năm 2024 và phát động triển khai chiến dịch tiêm vaccine Sởi do Bộ Y tế; Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) phối hợp tổ chức ngày 22/8, bà Angela Pratt cho rằng với các tỉnh, thành có các chùm ca bệnh gia tăng nhanh chóng, WHO khuyến nghị công bố dịch để có thể kích hoạt các phương án chống dịch kịp thời./.