Nước rút đưa các gói thầu chính trên tuyến Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành đúng tiến độ
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới trên công trường gói thầu xây dựng cầu Nhơn Trạch (nối thành phố Hồ Chí Minh với Đồng Nai) những ngày cuối tháng 8-2024, hơn 300 kỹ sư, công nhân đang khẩn trương thi công đưa dự án về đích vượt tiến độ khoảng 5 tháng.
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT) vừa thông tin về tình hình triển khai dự án thành phần 1A của dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (giai đoạn 1) thuộc đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, tình hình triển khai thi công hiện nay đáp ứng tiến độ đề ra. Cụ thể, tổng sản lượng thực hiện của dự án đạt hơn 1.722/2.679,83 tỷ đồng, tương đương 64,26% tổng giá trị hợp đồng 2 gói thầu.
Trong đó, gói thầu CW1 (cầu Nhơn Trạch, dài 2,6km), đến nay đạt hơn 80% tổng khối lượng công việc. Nhà thầu cam kết rút ngắn thời gian hoàn thành trước 4 tháng, đúng vào dịp 30-4-2025, thay vì theo hợp đồng hoàn thành tháng 8-2025.
Đối với gói thầu CW2 (đường dẫn 2 đầu cầu, dài hơn 5,6km), tiến độ đạt hơn 39% kế hoạch. Nhà thầu phấn đấu rút ngắn tiến độ để cơ bản hoàn thành dịp 30-4-2025, trước 5 tháng theo hợp đồng.
Chia sẻ khó khăn nhất của gói thầu CW2, đại diện nhà thầu liên danh Dongbu - VNCN cho biết, tổng lượng cát cần hoàn thành gói thầu là 218.000m3, nhưng hiện nay đang thiếu 98.000m3 để hoàn thành. Để khắc phục và thực hiện đúng tiến độ cam kết đề ra cho gói thầu CW2, nhà thầu đã nhập cát từ Campuchia.
Dự án thành phần 1A của dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (giai đoạn 1) thuộc đường Vành đai 3 có chiều dài khoảng 8,22km (thành phố Hồ Chí Minh 1,92km và Đồng Nai 6,30km). Giai đoạn hoàn thiện đường cao tốc 8 làn xe, vận tốc 100km/h. Tổng mức đầu tư hơn 6.955 tỷ đồng.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố (Ban Giao thông) Lương Minh Phúc cho hay, tuyến Vành đai 3 chạy qua thành phố hơn 47km; trong đó, tổng nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường thuộc dự án thành phần 1 (xây lắp) khoảng 7,1 triệu m3, riêng năm 2024 cần khoảng 4,7 triệu m3. Tính đến giữa tháng 8, lượng cát đã đưa về công trường hơn 700.000m3. Đến cuối tháng 8, dự kiến công trường cần khoảng 2 triệu m3 cát.
Theo Ban Giao thông, đến nay các khó khăn, vướng mắc về khai thác vật liệu cát đắp nền đường cho dự án cơ bản đã được tháo gỡ. Theo đó, thành phố Hồ Chí Minh tích cực phối hợp, làm việc với các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre để hoàn thiện các thủ tục cấp phép các mỏ cát, đáp ứng nhu cầu và tiến độ thi công của dự án đường Vành đai 3.
Trong khi đó, dự án thành phần 5 - xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương có tổng chiều dài khoảng 26,6km. Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Bình Dương Trần Hùng Việt, mặc dù các nhà thầu đã rất nỗ lực để tìm kiếm nguồn vật liệu cát đắp nền đường nhưng khối lượng cát huy động về công trường chỉ khoảng 1.000m3/ngày, chưa đáp ứng nhu cầu, tiến độ thực hiện. Đơn vị đang tiếp tục đôn đốc các nhà thầu khẩn trương tìm kiếm thêm nguồn cát san lấp phục vụ thi công gói thầu xây lắp 3 theo đúng tiến độ.
Còn theo Giám đốc điều hành dự án gói thầu xây lắp 3 Nguyễn Văn Công, nhu cầu cát san lấp của gói xây lắp 3 là 600.000m3. Ngoài lượng cát trong nước, đơn vị thi công nhập khẩu cát từ Campuchia để đẩy nhanh thi công.
Đồng thời, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Bình Dương đã kiến nghị Bộ GTVT, UBND thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục làm việc với UBND các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre và các địa phương liên quan sớm giải quyết các thủ tục cấp phép khai thác cát san lấp.