''Hé lộ bí kíp'' về nghệ thuật dessin

Sách - Ngày đăng : 07:50, 08/01/2023

(HNMCT) - Những năm dài chiến tranh khiến sự tiếp cận văn hóa thế giới, trong đó có nghệ thuật hội họa, bị hạn chế. Nhiều kỹ thuật vẽ có được là do các nghệ sĩ tự mày mò nghiên cứu mà không có cơ hội được kế thừa tinh hoa nhân loại.

Với kinh nghiệm 50 năm vẽ sơn dầu, họa sĩ Nguyễn Đình Đăng đã thực hiện 9 thuyết trình và viết hơn 40 chuyên khảo trong thời gian 9 năm (2009 - 2018), qua đó đưa hiểu biết về chất liệu sơn dầu và kỹ pháp vẽ sơn dầu nhiều lớp, kỹ thuật tạo màu, giữ màu của các bậc thầy cổ điển tới với các họa sĩ, sinh viên mỹ thuật Việt Nam. Khối kiến thức này sau đó đã được tập hợp lại trong cuốn “Kỹ thuật vẽ sơn dầu” - ra mắt năm 2018, được đón nhận nồng nhiệt.

Năm 2022, cuốn “Nghệ thuật dessin” (NXB Dân trí) của họa sĩ Nguyễn Đình Đăng ra mắt với mong muốn mang đến cho độc giả những hiểu biết về lịch sử mỹ thuật nói chung và dessin nói riêng. Qua đó, độc giả có thể hiểu vì sao không thể dịch được thuật ngữ “dessin” (tiếng Pháp) sang tiếng Việt bởi bất cứ một từ thuần Việt nào cũng không giữ được nguyên vẹn ý nghĩa sâu xa của nó.

Chính trong những chuyến đi về giữa Nhật Bản - Việt Nam để thuyết trình về kỹ thuật sơn dầu, họa sĩ Nguyễn Đình Đăng nhận thấy có không ít người, từ các họa sĩ, thầy dạy mỹ thuật, sinh viên tới những người sưu tầm và yêu thích mỹ thuật ở Việt Nam đã có sự nhầm lẫn trong dạy và học dessin. Sự nhầm lẫn này được bộc lộ ngay từ việc dùng từ “hình họa” để dịch thuật ngữ dessin. Hậu quả là nghệ thuật dessin đã bị hạ thấp, chỉ còn đơn thuần là cách dựng hình, khiến không ít bạn trẻ vốn khá có năng khiếu, sau 5 năm học ở trường mà vẫn chưa vững về dessin.

Ý tưởng về cuốn sách “Nghệ thuật dessin” từ đó đã hình thành. Theo họa sĩ Nguyễn Đình Đăng: “Nghệ thuật dessin là nền tảng của hội họa. Vì thế, người chưa vững dessin chưa thỏa mãn điều kiện cần để có thể xứng đáng được gọi là họa sĩ”. Bằng khả năng, hiểu biết và kinh nghiệm qua sáu thập niên vẽ dessin, xem, đọc và suy ngẫm về những gì được gọi là tinh túy mà các bậc thầy cổ điển thể hiện trong các kiệt tác, các khảo luận và ghi chép của họ, họa sĩ Nguyễn Đình Đăng đã cố gắng trình bày và diễn giải lại, dưới dạng cô đọng và trong sáng nhất, những gì mà ông đã lĩnh hội được về nghệ thuật dessin.

Với 7 chương chính: “Dessin là gì?”, “Các dụng cụ và chất liệu vẽ dessin”, “Các phương pháp dạy và học vẽ dessin”, “Một số họa sĩ dessin tiêu biểu thế kỷ XV - XX”, “Một số giai thoại về các danh họa”, “Nghiệp vẽ dessin của tôi”, “Một số dessin chọn lọc của Nguyễn Đình Đăng”, cuốn sách mô tả kỹ lưỡng và hệ thống hóa kiến thức về nghệ thuật và chất liệu vẽ dessin một cách chi tiết, có thể coi là cẩm nang để tra cứu. Không chỉ mang lại kiến thức tổng quan về các phương pháp dạy và học vẽ dessin qua nhiều thời kỳ trong mối liên hệ mật thiết với lịch sử mỹ thuật, triết học và khoa học, cuốn sách còn giúp người đọc hình dung tổng thể về sự phát triển trong việc rèn luyện nghệ thuật dessin.

Ngoài ra, các tóm tắt tiểu sử hoạt động của 34 danh họa vẽ dessin tiêu biểu, của bản thân tác giả, cũng như giai thoại về các danh họa được kể lại trong cuốn sách tạo cảm hứng cho những độc giả say mê nghệ thuật này. Phần phụ lục của cuốn sách cung cấp một số trích dẫn về dessin của các danh nhân thế giới và danh mục tài liệu tham khảo.

Vân Lam