Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”Đông Anh - hằng số lịch sử, khát vọng vươn cao
Trong dòng chảy của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, Đông Anh là điểm nhấn đặc sắc về văn hóa, lịch sử. Sau 148 năm thành lập, 63 năm về với Thủ đô, huyện đã và đang phát huy mọi nguồn lực, trở thành điểm sáng về kinh tế, văn hóa, tạo lập xu hướng phát triển mới cho Thủ đô về phía Bắc sông Hồng.
Bài đầu: Điểm tựa mang khí thế hào hùng
Đông Anh có hệ thống di sản văn hóa phong phú, đa dạng, với 413 di tích, 93 lễ hội cùng các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống độc đáo. Mỗi di tích đều gắn với những câu chuyện hấp dẫn, phản ánh chiều sâu văn hóa, lịch sử và khí chất hào hùng của con người vùng đất phía Bắc sông Hồng.
Mạch nguồn lịch sử chảy mãi
Huyện Đông Anh chính thức được thành lập tháng 9 năm Bính Tý (tức tháng 10-1876) đời vua Tự Đức, triều Nguyễn trên cơ sở các làng xã thuộc các huyện Đông Ngàn (phủ Từ Sơn), Kim Anh (phủ Bắc Hà) của tỉnh Bắc Ninh và Yên Lãng (phủ Tam Đới, tỉnh Sơn Tây). Trải qua nhiều biến thiên lịch sử, năm 1961, thực hiện việc mở rộng Thủ đô, Đông Anh được chuyển về Hà Nội.
63 năm hòa cùng dòng chảy của văn hóa Thăng Long, Đông Anh đã từng bước “thay da đổi thịt”, nhưng vẻ đẹp cổ kính phản ánh bề dày lịch sử, văn hóa vẫn hiển hiện trên mỗi con đường và đặc biệt là hệ thống di tích phong phú, có sức hút lớn.
Trên con đường dẫn vào Khu di tích Cổ Loa, ông Hoàng Công Huy - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa chia sẻ: "Nói đến Đông Anh là nhắc đến Cổ Loa - cụm di tích cấp quốc gia đặc biệt. Tương truyền, từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên, Thục Phán An Dương Vương thống nhất Âu Việt, Lạc Việt, lập ra nước Âu Lạc, dời đô về Cổ Loa, biến nơi đây trở thành tổ hợp kinh thành - quân thành - thị thành đầu tiên của nước ta từ cách đây 2.300 năm...". Trong chiều dài lịch sử, mảnh đất Cổ Loa tiếp tục lưu dấu ấn lịch sử khi mùa xuân năm Kỷ Hợi (939), sau khi đánh tan quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng Vương, thành lập nhà nước độc lập, đóng đô ở Cổ Loa, kinh đô cũ của Âu Lạc...
Cùng với Cổ Loa, Đông Anh còn có quần thể di tích đền Sái - đình Nhội (xã Thụy Lâm) và đền thờ Hoàng giáp Lê Tuấn Mậu. Đây là cụm di tích có liên quan mật thiết với Cổ Loa với huyền tích về cuộc chiến đấu để xây thành.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám, Đông Anh là mảnh đất mang đầy dấu ấn của lịch sử xuyên suốt từ quá khứ tới hiện tại, tương lai. Huyện có 413 di tích (255 di tích tín ngưỡng, 123 di tích tôn giáo, 25 di tích cách mạng cùng 10 loại hình khác), trong đó, 134 di tích đã được xếp hạng, gồm 1 cụm di tích cấp quốc gia đặc biệt, 64 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 70 di tích xếp hạng cấp thành phố...
Trải qua tầng tầng lớp lớp những chứng tích của lịch sử nghìn năm, bước vào thế kỷ XX, mảnh đất Đông Anh tiếp tục là nơi lưu dấu những chiến công oai hùng của Thủ đô và đất nước. Đây là “An toàn khu” với hệ thống di tích cách mạng của Trung ương thời kỳ tiền khởi nghĩa (1941-1945), trong đó không thể không nhắc tới địa đạo Nam Hồng.
Theo chân Chủ tịch UBND xã Nam Hồng Nguyễn Tiến Dương đến thăm địa đạo đặc biệt này, chúng tôi thực sự khâm phục ý chí của các thế hệ người dân nơi đây. Địa đạo có chiều dài hơn 10km, 465 hầm bí mật, 2.680 hố chiến đấu, hơn 8.000m thành lũy và hơn 600 cổng dong - tạo nên làng kháng chiến liên hoàn toàn xã và tạo thành pháo đài phòng ngự kiên cường, đánh địch hiệu quả.
Tại Nhà truyền thống Nam Hồng, bản sao bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi: “Hệ thống địa đạo chiến đấu Nam Hồng là một di tích lịch sử có một không hai ở Đồng bằng Bắc Bộ trong cuộc kháng chiến chống Pháp”. Hiện, Đông Anh đã xây dựng Dự án tu bổ, tôn tạo, phục hồi khu di tích địa đạo Nam Hồng - đây sẽ là điểm du lịch văn hóa của Thủ đô.
Với bề dày thành tích trong đấu tranh cách mạng, mảnh đất Đông Anh anh hùng đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần về thăm và làm việc. Từ những năm 1957-1965, Bác Hồ đã 6 lần về thăm Đông Anh ở các địa danh: Công trường hàn khẩu đê Mai Lâm, các thôn Lỗ Khê, Kính Nỗ, Tiên Hội, Lễ Pháp, Đền Thượng tại Khu di tích Cổ Loa, đơn vị pháo phòng không tại thôn Du Nội...
Đặc biệt, vùng đất "địa linh" này còn sinh ra nhiều "nhân kiệt" làm rạng danh quê hương đất nước, mà gần đây nhất chính là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc được nhân dân yêu mến. Và chính đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã viết trong lời tựa cuốn "Địa chí Đông Anh" rằng: “Đông Anh, một vùng đất có vị thế hết sức đặc biệt, luôn được chọn là “điểm tựa” cho quá trình hình thành và phát triển của Thủ đô và đất nước, một địa bàn đã trở thành một biểu tượng, hằng số của lịch sử, văn hóa Việt Nam…”.
Tài nguyên văn hóa phong phú
Ngoài những di tích lịch sử đồ sộ, Đông Anh còn lưu giữ những lễ hội, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc. Làng Đào Thục hiện nay vốn được coi là vùng tổ nghề của múa rối nước vùng Bắc Bộ. Theo các nghệ nhân cao niên trong làng, nghề được cụ Nguyễn Đăng Vinh truyền dạy từ thời vua Lê Dụ Tông (1706-1729). Như vậy, nghệ thuật múa rối nước Đào Thục đã có hơn 300 năm phát triển.
“Hiện nay, có nhiều loại hình nghệ thuật tinh tế, phong phú, song hơn 20 tích trò cổ trong múa rối nước của làng Đào Thục vẫn khiến nhiều người thích thú. Múa rối nước có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mang khát vọng về cuộc sống bình yên, hạnh phúc, ca ngợi lao động, tôn vinh giá trị đạo đức, tình cảm cộng đồng; đồng thời, phản ánh bối cảnh lịch sử, đời sống văn hóa nhiều thời kỳ”, nghệ nhân Đinh Thế Văn chia sẻ.
Điểm văn hóa đặc sắc nhất tại xã Thụy Lâm phải kể đến lễ hội Đền Sái với nghi lễ rước "vua, chúa sống" và nghi lễ chém tinh gà trắng vô cùng độc đáo - được đánh giá là lễ hội đặc sắc có một không hai ở Việt Nam. Lễ hội Đền Sái được người dân làng Thụy Lôi, xã Thụy Lâm tổ chức vào tháng Giêng âm lịch hằng năm với mong ước một năm mới có nhiều tài lộc, thành công, bình an và hạnh phúc...
Rời Đào Thục đến thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà, sẽ bắt gặp những cánh đồng vàng trĩu bông mỗi độ đến mùa thu hoạch, mùi thơm nồng của gạo nếp từ những chiếc bánh chưng truyền thống, hay những câu hát ca trù nổi tiếng cả vùng. Liên Hà còn nổi tiếng với nghề mộc. Ngoài ra, Đông Anh còn một số lễ hội gắn với các trò chơi dân gian độc đáo, náo nhiệt, mang tính trí tuệ cao, mang nét đặc thù văn hóa lúa nước...
Theo Tiến sĩ Lưu Minh Trị, Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Đông Anh là vùng đất có tài nguyên văn hóa phong phú. Dấu ấn lịch sử, nền tảng văn hóa là mạch nguồn xuyên suốt lịch sử phát triển của Đông Anh và hòa vào dòng chảy văn hiến của Thủ đô nghìn năm, tạo nguồn lực cho Đông Anh phát triển xứng tầm.
(Còn nữa)