Chính trị

Phát huy vai trò của Mặt trận trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền

Hương Ly 22/08/2024 - 17:39

Sáng 22-8, tại quận Tây Hồ, trong khuôn khổ Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029, diễn ra Diễn đàn với chủ đề: “Phát huy dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tăng cường giám sát phản biện xã hội, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh”.

th-qc-.jpg
Quang cảnh Diễn đàn tại quận Tây Hồ. Ảnh: Hương Ly

Tham luận với chủ đề “Một số kinh nghiệm, cách làm hay trong tiếp công dân, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân”, Luật sư Lê Gia Ánh, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội nêu 5 kinh nghiệm để nâng cao chất lượng tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Trong đó, xác định rõ về cấp có thẩm quyền giải quyết theo đơn của công dân; hướng dẫn công dân gửi đơn đến đúng cấp có thẩm quyền giải quyết; chỉ tiếp công dân tại trụ sở cơ quan; bố trí cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn, khách quan, công tâm, sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ vướng mắc của công dân và cuối cùng là thiết lập hệ thống thông tin tiếp công dân từ cơ sở đến thành phố.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Gia Lâm Đinh Tất Thắng chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác phối hợp, tổ chức tiếp xúc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn huyện nhằm củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền.

Đúc rút những kinh nghiệm hay trong thực tiễn, ông Đinh Tất Thắng đề xuất 5 giải pháp, đó là: Cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ cần quán triệt sâu rộng ý nghĩa của hoạt động tiếp xúc đối thoại, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; UBND các cấp cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, coi trọng công tác đối thoại với nhân dân; Các cấp ủy Đảng, chính quyền tạo mọi điều kiện để MTTQ, các đoàn thể tham gia giám sát, phản biện, đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền; MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phân công trách nhiệm, tổ chức tốt hoạt động đối thoại; tăng cường hội nghị tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ mặt trận.

Tham luận với chủ đề “Phản biện xã hội, hoạt động hiệu quả của MTTQ trong công tác phối hợp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân”, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thanh Trì Phạm Văn Thành đúc rút 3 bài học kinh nghiệm: Quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng, Nhà nước, tạo điều kiện cho người dân tham gia giám sát, phản biện; đổi mới nâng cao chất lượng phản biện thông qua việc bồi dưỡng năng lực, trình độ cho cán bộ MTTQ; quá trình phản biện phải bảo đảm theo đúng hướng dẫn của MTTQ Việt Nam và mời các vị Ủy viên là thành viên Ban công tác Mặt trận ở khu dân am hiểu về lĩnh vực tham gian phản biện.

th-a-truong-ket-luan-.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường phát biểu kết luận. Ảnh: Hương Ly

Phát biểu kết luận diễn đàn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường cho rằng, diễn đàn là cơ hội trao đổi để các cơ quan, đơn vị hiểu thêm về hoạt động của MTTQ, trong đó công tác giám sát phản biện xã hội là nội dung rất quan trọng; các đồng chí lãnh đạo cấp ủy Đảng càng có những chia sẻ nhiều hơn với MTTQ.

Ông Nguyễn Sỹ Trường đề nghị, trên mỗi cương vị công tác, các đại biểu cần tích cực đóng góp ý kiến, tham gia hoạt động giám sát phản biện xã hội; các đồng chí lãnh đạo cấp ủy Đảng tiếp tục quan tâm, chỉ đạo đối với chính quyền, ủng hộ MTTQ các cấp; MTTQ các cấp chủ động xây dựng chương trình giám sát, phản biện xã hội để tạo sự đồng thuận của nhân dân...