Công nghệ

“Make in Viet Nam 2024” tôn vinh 8 hạng mục sản phẩm công nghệ số xuất sắc

Thanh Hà

Giải thưởng “Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức trao tặng hằng năm cho các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm công nghệ số xuất sắc được nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam, nhằm giải các bài toán Việt Nam và đi ra quốc tế.

img_5372.jpg
Lãnh đạo Bộ Thông tin - Truyền thông phát động giải thưởng. Ảnh: T.H

Sáng 22-8, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức họp báo công bố, phát động giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2024.

Theo ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông), giải thưởng tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc ở 8 hạng mục. Trong đó, 5 hạng mục dành cho sản phẩm công nghệ số phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, gồm: Sản phẩm công nghệ số xuất sắc trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng; sản phẩm công nghệ số xuất sắc trong lĩnh vực nông nghiệp, tài nguyên và môi trường; sản phẩm công nghệ số xuất sắc trong lĩnh vực giao thông vận tải, bưu chính và logistics; sản phẩm công nghệ số xuất sắc trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội; sản phẩm công nghệ số xuất sắc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại, dịch vụ (bảo hiểm, du lịch).

Giải thưởng năm nay bổ sung hạng mục: Sản phẩm công nghệ số mới xuất sắc trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Bigdata), internet vạn vật kết nối (IoT) và bán dẫn. Đồng thời, tiếp tục duy trì 2 hạng mục như năm 2023 là: Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho thị trường nước ngoài và sản phẩm công nghệ số tiềm năng.

Ban tổ chức cũng quy định, đối với hạng mục Sản phẩm công nghệ số tiềm năng, chỉ áp dụng với doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ hoặc doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được thành lập theo pháp luật Việt Nam (nếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì người Việt Nam phải sở hữu ít nhất 51% cổ phần).

Đối với hạng mục sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho thị trường nước ngoài, ngoài các doanh nghiệp trong nước do người Việt Nam chiếm cổ phần chi phối, bổ sung thêm đối tượng là doanh nghiệp thành lập ở nước ngoài nhưng do người Việt sở hữu ít nhất 51% cổ phần.

Mỗi hạng mục giải thưởng sẽ có các giải: Vàng, bạc, đồng và Bằng khen cho top 10 sản phẩm công nghệ số xuất sắc nhất.

img_5371.jpg
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương phát biểu. Ảnh: T.H

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương cho biết, nhiều sản phẩm đạt giải của doanh nghiệp đã được ứng dụng trong thực tế, góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số ngành, lĩnh vực được nhanh chóng, hiệu quả hơn.

“Tôi kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hưởng ứng, tích cực tham gia giải thưởng này để Bộ Thông tin và Truyền thông tìm kiếm, tôn vinh được các sản phẩm Make in Viet Nam xuất sắc nhất, xứng đáng nhất năm 2024”, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng thông tin, trong 4 năm tổ chức, giải thưởng đã phát hiện, tìm kiếm được 234 sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam. Đây là một con số ý nghĩa và tự hào về sản phẩm trí tuệ, khoa học công nghệ số của Việt Nam đã và đang bước vào môi trường cạnh tranh trong nền kinh tế số. Cộng đồng doanh nghiệp, người dân có thể hưởng thụ những thành tựu khoa học của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Là một trong những doanh nghiệp có sản phẩm được trao giải Sản phẩm Make in Viet Nam năm 2023, đại diện Tập đoàn VNPT đã chia sẻ về kết quả đạt được sau một năm. Giải pháp VNPT Smart-CA của VNPT đã có thêm 1 triệu người dùng mới, được nhiều đối tác, khách hàng, đặc biệt là lĩnh vực tài chính - ngân hàng - bảo hiểm tin tưởng lựa chọn tích hợp sản phẩm vào ứng dụng của mình để cung cấp cho khách hàng. Đến nay, VNPT Smart-CA đã có trên 800 đối tác tích hợp để cung cấp cho khách hàng; đồng thời, mong muốn Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ kết nối tạo môi trường thuận lợi cho chữ ký số phát triển để đến năm 2025 đạt 50% công dân sử dụng chữ ký số VNPT.