Dự án “treo” tại phường Xuân La (quận Tây Hồ): Cần sớm thông tin triển khai hay dừng
Hơn 20 năm qua, đi hay ở là nỗi lo lắng thường trực đeo bám người dân các tổ dân phố: 1, 12, 13 thuộc phường Xuân La (quận Tây Hồ) do nằm trong vùng quy hoạch thực hiện dự án xây dựng Nhà hát Thăng Long.
Tình trạng dự án "treo" này đã gây ra nhiều hệ lụy, vì vậy, cơ quan chức năng cần sớm công bố thông tin dự án sẽ tiếp tục được triển khai hay dừng để bảo đảm quyền lợi của người dân.
Tổ dân phố 13 với khoảng 400 hộ gần như nằm trọn vẹn trong vùng quy hoạch thực hiện dự án xây dựng Nhà hát Thăng Long tại phường Xuân La. Dãy nhà ở của các hộ dân trên trục chính tổ dân phố 13 (ngõ 445 đường Lạc Long Quân) có phần khang trang, nhưng trong các ngách nhỏ, hầu hết công trình đều nhếch nhác, ẩm thấp. Chưa kể, do nhiều ngôi nhà xây tạm bợ trên đất nông nghiệp (trước ngày 1-7-2014), hệ thống thoát nước thải không đồng bộ nên hễ mưa là ngập.
Theo một số người dân nơi đây, khoảng năm 2010, thành phố Hà Nội đã có chủ trương động thổ xây dựng Nhà hát Thăng Long ở chính khu vực các hộ dân đang ở. Song, từ đó đến nay không thấy dự án được triển khai, trong khi các hộ dân lại bị hạn chế xây dựng nhà ở, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Chung tâm trạng băn khoăn với nỗi lo của người dân, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 13 Nguyễn Thị Hải cho biết, đã hơn 20 năm nay người dân sống trong cảnh chờ đợi mà không biết dự án xây dựng Nhà hát Thăng Long có triển khai hay không để tính con đường “an cư”. Hiện tại, nhiều ngôi nhà đã xuống cấp nhưng không được xây dựng mới vì vướng dự án; việc chuyển nhượng, thế chấp vay vốn bằng đất đều gặp khó khăn… Người dân mong muốn, các cơ quan chức năng công khai lộ trình, thông tin liên quan đến việc thực hiện dự án xây dựng Nhà hát Thăng Long, không nên để người dân mòn mỏi sống theo dự án “treo”!
Liên quan đến vấn đề nêu trên, công chức địa chính UBND phường Xuân La Dương Thanh Bình thông tin, thực tế, khu vực các tổ dân phố 1, 12, 13 đều nằm trong khu vực quy hoạch thực hiện dự án xây dựng Nhà hát Thăng Long từ năm 2001 (rộng khoảng 2ha) nhưng đến nay chưa triển khai và cũng chưa thực hiện điều chỉnh quy hoạch. Ngoài ra, theo phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị H2-1, tỷ lệ 1/2000 thuộc các phường của quận Tây Hồ, quận Cầu Giấy và quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội (Quyết định số 6632/QĐ-UBND ngày 2-12-2015 của UBND thành phố Hà Nội) khu vực trên được quy hoạch là đất công cộng đô thị, cây xanh và xây dựng Nhà hát Thăng Long, trụ sở làm việc của một số bộ, ban, ngành. Vì nằm trong vùng quy hoạch nên các hộ dân bị hạn chế xây dựng; đồng thời có khoảng 250 hộ được đơn vị quân đội phân nhà, đất từ năm 1993 và 2004, nhưng đến nay cũng không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Trong rất nhiều cuộc họp ở địa phương, tiếp xúc cử tri, người dân liên tục nêu ý kiến về việc triển khai quy hoạch. Năm 2021 và 2022, UBND phường Xuân La đã có văn bản tổng hợp, báo cáo UBND quận Tây Hồ, việc không triển khai dự án ảnh hưởng tới khoảng 1.000 hộ dân và gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai của địa phương. UBND phường đề nghị, UBND quận báo cáo cấp thẩm quyền xem xét tính khả thi của dự án. Nếu dự án không triển khai thì điều chỉnh quy hoạch để các hộ dân ổn định cuộc sống.
Liên quan đến vấn đề này, tại Thông báo số 293/TB-VP ngày 27-6-2022 Kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn tại buổi làm việc với lãnh đạo quận Tây Hồ về một số nội dung liên quan đến quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị trên địa bàn quận Tây Hồ, trong đó nêu rõ: Về quy hoạch Nhà hát Thăng Long thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây: Giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành thành phố liên quan rà soát sự cần thiết quy hoạch, đầu tư Nhà hát Thăng Long (chủ trương đầu tư giai đoạn kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội), trên cơ sở đó xem xét, nghiên cứu, đề xuất, điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu vực, tham mưu, đề xuất, báo cáo UBND thành phố theo quy định.
Như vậy, chỉ đạo của lãnh đạo thành phố Hà Nội đã rõ; đề nghị các sở, ngành liên quan nhanh chóng xem xét tổng thể quy hoạch, cân đối, hài hòa lợi ích của Nhà nước và nhân dân, sớm có câu trả lời thỏa đáng, không kéo dài thêm sự thắc thỏm, lo lắng của người dân suốt hàng chục năm qua...