Xử lý tình trạng người lang thang xin tiền: Cần sự chung tay của cộng đồng
Thực tế thời gian qua cho thấy, khi gặp người lang thang xin tiền, nếu chúng ta cho tiền, họ thường tiếp tục đi lang thang xin tiền tiếp. Do vậy, để xử lý hiệu quả tình trạng người lang thang xin tiền trên địa bàn Thủ đô rất cần sự chung tay, thực hiện đúng cách của cộng đồng.
Theo đó, khi phát hiện người lang thang xin tiền, chúng ta hãy liên hệ với cơ quan chức năng để họ được hỗ trợ hiệu quả, kịp thời, bao gồm việc thăm khám sức khỏe, chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ và tìm người thân, hướng nghiệp, đào tạo nghề hạn chế tái lang thang.
Tiếp nhận, hỗ trợ hiệu quả
Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) hiện được giao nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ trợ giúp khẩn cấp, từ công tác tập trung, tiếp nhận đối tượng cần sự bảo trợ xã hội cho đến công tác quản lý, chăm sóc đối tượng, tư vấn, trợ giúp, phát triển cộng đồng, vận động nguồn lực… Trong đó, một trong các nhiệm vụ quan trọng của trung tâm là hỗ trợ giải quyết tình trạng người lang thang xin tiền ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị trên địa bàn 10 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và 4 huyện ven đô là Mê Linh, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn.
Thực hiện nhiệm vụ này là Đội Trật tự xã hội lưu động thuộc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội gồm 11 cán bộ, nhân viên. Theo Đội trưởng Đội Trật tự xã hội lưu động Nguyễn Văn Hải, bình quân hằng năm, đội tập trung, tiếp nhận từ 450 đến 550 lượt người lang thang xin tiền. Những người này khi vào trung tâm được phân loại, quản lý chăm sóc và nuôi dưỡng; được tuyên truyền giáo dục, tư vấn, hướng nghiệp đào tạo nghề để hạn chế tái lang thang.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Đội Trật tự xã hội lưu động tăng cường ra quân, giải quyết tình trạng người lang thang xin tiền, bảo đảm công tác trợ giúp khẩn cấp, kịp thời. Tổng hợp số liệu từ ngày 15-12-2023 đến 14-6-2024, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đã tập trung, tiếp nhận 241 đối tượng. Toàn bộ các đối tượng khi vào trung tâm đều được kiểm tra y tế, cấp phát thuốc điều trị và theo dõi sát sao sức khỏe, nhất là người già yếu, có bệnh nền.
Đặc biệt, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội cũng phân loại đối tượng có vấn đề về sức khỏe để điều trị và chuyển tuyến khám chữa bệnh. Ngoài ra, 100% các đối tượng tại trung tâm được bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý; được tổ chức vui chơi và tặng quà vào các dịp lễ, Tết; hỗ trợ lao động trị liệu phù hợp…
Phải giải quyết tận gốc
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội Kiều Thị Hương cho biết, thời gian qua, trung tâm tổ chức duy trì ứng trực 24/24 giờ hằng ngày, bảo đảm thực hiện công tác tập trung, tiếp nhận người lang thang, đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp đúng quy định. Cùng với đó, trung tâm cũng đẩy mạnh việc trao đổi thông tin với các địa phương, cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan về tình trạng người lang thang, trong đó, đặc biệt lưu ý các thông tin phản ánh tại một số điểm nóng như các ngã tư, ngã năm, đình, chùa, sự kiện tập trung đông người trên địa bàn thành phố...
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bên cạnh những trường hợp người lang thang xin tiền do hoàn cảnh riêng, cần sự trợ giúp khẩn cấp thực sự, không ít trường hợp lang thang xin tiền nhằm lợi dụng lòng thương hoặc trục lợi chính sách. Bên cạnh đó, tình trạng các nhóm tự xưng hát thiện nguyện, xin tiền tràn ra các ngã tư, ngã năm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị. Theo Đội trưởng Đội Trật tự xã hội lưu động Nguyễn Văn Hải, thực tế có đến hơn 70% người lang thang xin tiền có dấu hiệu bị bảo kê, chăn dắt, lợi dụng.
Từ tình hình nêu trên, để giải quyết dứt điểm tình trạng người lang thang xin tiền đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng. Có nhiều năm gắn bó với công tác tập trung người lang thang xin tiền trên địa bàn Thủ đô, Phó Đội trưởng Đội Trật tự xã hội lưu động Nguyễn Kim Hiển chia sẻ: “Mong muốn lớn nhất của người làm nghề như chúng tôi, đó là phải giải quyết tận gốc vấn đề, kiên quyết không để tồn tại tình trạng coi ăn xin là một nghề, lợi dụng lòng thương nhằm trục lợi kiếm tiền. Nếu phát hiện người lang thang xin tiền, người dân hãy gọi điện báo cho chúng tôi theo số điện thoại 0243.22.33.111 hoặc 0386.390.809, để người khó khăn thực sự được trợ giúp đến nơi đến chốn nhờ chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước. Còn với kẻ trục lợi, bảo kê, lợi dụng người yếu thế để kiếm tiền, chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan công an xử lý nghiêm vi phạm”.
Để khắc phục tình trạng này, các cơ quan chức năng cần làm tốt hơn nữa công tác an sinh xã hội cho các đối tượng này. Về lâu dài, để ngăn chặn tình trạng người lang thang xin tiền tái diễn cần sự chung tay của cả cộng đồng trong việc chăm sóc, trợ giúp đối tượng yếu thế theo diện bảo trợ xã hội nhằm đạt hiệu quả bền vững.