Ngăn chặn đầu cơ, “thổi giá” đất
Công tác đấu giá quyền sử dụng đất ở một số huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian vừa qua có những diễn biến đáng chú ý và đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Vấn đề thứ nhất nổi lên là kết quả đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm. Dẫn chứng gần đây nhất là phiên đấu giá 19 lô đất thuộc lô LK03 và LK04 tại khu Lòng Khúc (xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức) diễn ra ngày 19-8. Với mức giá khởi điểm 7,3 triệu đồng/m2, sau hàng chục vòng đấu giá đã xác định giá trúng cao nhất là 133,3 triệu đồng/m2, tăng hơn 18 lần so với giá khởi điểm; giá trúng thấp nhất là 91,3 triệu đồng/m2, tăng 12,5 lần giá khởi điểm.
Trước đó (ngày 10-8), dư luận cũng bàn luận sôi nổi về phiên đấu giá quyền sử dụng đối với 68 thửa đất tại khu Ngõ Ba (thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai). Tại đây, các thửa đất có giá khởi điểm từ 8,667 đến 12,575 triệu đồng/m2 và giá trúng đấu giá dao động từ 51,767 triệu đồng/m2 đến 100,575 triệu đồng/m2, cao gấp 6-8 lần so với giá khởi điểm.
Vấn đề thứ hai nổi lên là hai phiên đấu giá đất kể trên thu hút một lượng lớn người tham gia. Cụ thể, phiên đấu giá tại khu Ngõ Ba có tổng số hồ sơ đủ điều kiện là 3.923 bộ của 1.439 khách hàng. Còn tại phiên đấu giá đất ở khu Lòng Khúc có 517 khách hàng tham gia, đăng ký 1.100 bộ hồ sơ, đã diễn ra vô cùng căng thẳng khi kéo dài liên tục từ 8h ngày 19-8 đến hơn 4h ngày 20-8 mới kết thúc.
Quy trình đấu giá quyền sử dụng đất ở 2 khu vực nói trên, đều được cơ quan chức năng khẳng định bảo đảm công khai, minh bạch và đúng quy định pháp luật.
Tuy nhiên, vấn đề là những kỷ lục đấu giá kể trên (bao gồm giá một mét vuông đất và thời gian đấu giá kéo dài) đã lan truyền nhanh chóng và thu hút sự quan tâm của dư luận. Bởi thực tế, ngay sau khi kết thúc đấu giá, đã có thông tin cho rằng một số chủ lô đất đăng tin rao bán chênh hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi lô. Cho đến nay vẫn chưa rõ thực hư, nhưng rõ ràng việc này khiến chúng ta nghĩ ngay đến những dấu hiệu của đầu cơ và “thổi giá”. Đây chính là vấn đề cần được cơ quan chức năng xem xét, đánh giá cụ thể để có giải pháp ngăn chặn hiệu quả, đồng thời giúp công tác đấu giá quyền sử dụng đất bảo đảm công khai, minh bạch.
Xét trên thực tế, những khu vực đấu giá kể trên đều có vị trí đẹp, gần tuyến đường giao thông lớn; lại nằm trong địa bàn đã có lộ trình xây dựng huyện lên quận. Vì vậy, người dân quan tâm đầu tư hoặc có nhu cầu thật về bất động sản ở khu vực này cũng là lẽ thường tình. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận một cách khách quan, nhiều chiều để biết được chiêu trò của nhà đầu cơ, môi giới khi giá đất quá “ảo” và bất hợp lý so với thực tế thị trường. Đây cũng là vấn đề tiếp theo mà các địa phương và cơ quan chức năng cần đặc biệt lưu tâm để bảo đảm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững, tránh gây hệ lụy cho nền kinh tế.
Trên bình diện chung, để bảo đảm công tác đấu giá quyền sử dụng đất nói riêng và việc vận hành thị trường bất động sản nói chung một cách hiệu quả, đúng quy định, ngoài triển khai thực hiện các quy định mới liên quan đến lĩnh vực bất động sản theo các luật mới được thông qua (Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu giá tài sản…); các cấp, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm Nghị quyết số 18-NQ/TƯ (ngày 16-6-2022) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, trong đó cần sớm cụ thể hóa “Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang”.