Hà Nội dành khoảng 6,5 tỷ đồng khẩn cấp khắc phục sự cố sụt đê hữu Cầu
Ngày 21-8, UBND thành phố Hà Nội công bố tình huống khẩn cấp, lệnh xây dựng công trình khắc phục sự cố sụt mặt đê hữu Cầu, đoạn huyện Sóc Sơn.
Ngày 10-8, Báo Hànộimới đã đưa tin “Khẩn trương khắc phục sự cố đê hữu Cầu, đoạn qua huyện Sóc Sơn”. Đánh giá đây là sự cố nghiêm trọng, ngày 21-8, UBND thành phố Hà Nội quyết định công bố tình huống khẩn cấp và ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp để xử lý, khắc phục sự cố sụt mặt đê hữu Cầu.
Cụ thể, UBND thành phố giao huyện Sóc Sơn chủ trì, phối hợp với Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai; Xí nghiệp Thủy lợi Sóc Sơn duy trì việc cảnh báo, lập chốt trực theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố, hạn chế người dân qua lại, có biện pháp bảo đảm an toàn tuyến đê; đào bóc, dỡ bỏ toàn bộ cống cũ; đắp đầm hoàn trả mặt cắt đê bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, ổn định tạm thời trong mùa mưa lũ...
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội chủ động phối hợp với huyện Sóc Sơn theo dõi chặt chẽ diễn biến sụt lún, xử lý giờ đầu theo phương châm “4 tại chỗ”... Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội chỉ đạo Xí nghiệp Thủy lợi Sóc Sơn lắp đặt trạm bơm dã chiến công suất 500-600m3/h, ống dẫn mềm qua đê để tiêu úng dân cư, nội đồng...
UBND thành phố Hà Nội cũng ban hành lệnh xây dựng lại cống Gò Sành (thay thế cống tiêu cũ bị sập và đã bị đào bỏ) bảo đảm tiêu úng dân cư, nội đồng; đắp hoàn trả, gia cố để bảo đảm an toàn tuyến đê, tăng cường khả năng chống lũ của tuyến đê, bảo đảm an toàn tính mạng cho người và tài sản của nhân dân...
Với tổng kinh phí dự kiến khoảng 6,5 tỷ đồng, thành phố Hà Nội giao đơn vị liên quan hoàn thành công trình khắc phục sự cố nêu trên trước ngày 30-4-2025.
Liên quan công tác phòng, chống thiên tai, chiều tối 21-8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Tuyên Quang và Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà đóng 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Tuyên Quang và đóng 2 cửa xả mặt hồ thủy điện Thác Bà vào hồi 18h cùng ngày.