Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Sáng 21-8, Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp với Cục Phổ biến giáo dục pháp luật, Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý cùng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam”.
Chương trình đã ghi nhận những ý kiến thiết thực, đa chiều của các đại biểu đến từ các bộ, ngành, học viện, trường đại học; các luật sư, doanh nhân, doanh nghiệp liên quan đến công cuộc thể chế hóa Nghị quyết số 27-NQ/TƯ ngày 9-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, góp phần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Theo PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản: Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “Dân là gốc”, “Dân là chủ”, thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”, thực hiện nhất quán nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân.
“Theo hướng đi này, cần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phải hoàn thiện cơ chế hữu hiệu để nhân dân thực sự thực hiện quyền làm chủ của mình, hoàn thiện, cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, PGS.TS Vũ Văn Phúc khẳng định.
Cùng quan điểm, GS.TS Lê Hồng Hạnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, đã là pháp quyền thì dựa trên quyền là chủ yếu, đề cao, tôn trọng các quyền của người dân. Công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền của chúng ta cần tăng cường đức trị theo đúng tinh thần của Bác. Lấy quyền của người dân lên làm đầu.
Đóng góp những ý kiến mang tính nghiên cứu, học thuật về Nhà nước pháp quyền, PGS.TS Tào Thị Quyên, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng, để đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả gắn với xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, cần đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, đổi mới tư duy về quản trị quốc gia.
Theo đó, cần tiếp tục nghiên cứu làm sâu sắc hơn về mặt lý luận, tổng kết thực tiễn quản trị quốc gia ở Việt Nam và kinh nghiệm các nước để định hình, phát triển con đường đổi mới phù hợp với thể chế chính trị và điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam. Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách, pháp luật trong nhiều lĩnh vực như trưng cầu ý dân, giám sát và phản biện xã hội, biểu tình, tham vấn công chúng… Bảo đảm trách nhiệm giải trình của các cơ quan công quyền, nhất là phải chịu trách nhiệm về hậu quả xảy ra do những văn bản được ban hành trái luật.
Đồng tình với những ý kiến trên, ông Nguyễn Hữu Quảng, Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách tư pháp, Ban Nội chính Trung ương cũng khẳng định: "Quá trình xây dựng Nghị quyết 27 rất công phu, vấn đề quan trọng tiếp theo là triển khai như thế nào để cụ thể hóa những “sợi tơ vàng” đã được các chuyên gia hàng đầu kỳ công "nhả ra" trong quá trình xây dựng Nghị quyết".
Theo ông Quảng, Nghị quyết 27 tạo niềm tin để xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền. Nội dung của Nghị quyết 27 đưa ra 10 nhiệm vụ cụ thể. Khác với Nghị quyết 49 hay các nghị quyết khác về kinh tế - xã hội, nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết 27 mang tính chất nhiệm vụ chung, có những nhiệm vụ mang tính nghiên cứu, mỗi cơ quan căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của mình cụ thể hóa, đưa Nghị quyết 27 vào cuộc sống, thực hiện được các mục tiêu năm 2030, năm 2045 đã đề ra...