63 Cổng dịch vụ công đều có những điểm chưa thuận tiện cho người sử dụng
Sáng 21-8, Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm chuyên đề “Đánh giá 63 Cổng dịch vụ công cấp tỉnh từ góc độ người dùng năm 2024”.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết: Trong bối cảnh chính phủ số đang phát triển mạnh mẽ, các cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) giữ vai trò then chốt, kết nối nhà nước với người dân và doanh nghiệp. Mặc dù đã có nhiều cải tiến từ năm 2021, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến vẫn chưa đạt yêu cầu và chất lượng dịch vụ còn hạn chế.
Theo bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, so với kết quả rà soát năm 2023, nhiều địa phương đã nâng cấp cổng DVC để bảo đảm quyền tiếp cận DVCTT cho người khuyết tật.
“Tôi hy vọng rằng, chính quyền các tỉnh, thành phố sẽ thấy những đề xuất trong báo cáo là hữu ích và khả thi. Khi người dân và cộng đồng còn nhiều khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo tiếp cận được với dịch vụ hành chính công, thì nền hành chính của Việt Nam sẽ trở nên bao trùm hơn”, bà Ramla Khalidi nhấn mạnh.
Theo kết quả đánh giá 63 Cổng DVC năm 2024, có sự cải thiện trong việc cung cấp DVCTT ở những tiêu chí nhỏ thuộc bốn nhóm tiêu chí nhưng vẫn còn nhiều điểm hạn chế, bất cập...
Tất cả 63 Cổng DVC đều có những điểm chưa thuận tiện cho người sử dụng, nhất là những người ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, và người khuyết tật. Không có địa phương nào đạt quá 50% số tiêu chí ở mức tốt.
Có đến 60 Cổng DVC chưa đạt ở tiêu chí “Bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư”; 39 Cổng DVC chưa đạt ở tiêu chí “Mức độ tiếp cận đối với người khuyết tật”.
Hầu hết, các Cổng DVC mới chỉ đạt mức trung bình về độ tương thích với cả máy tính và điện thoại thông minh. Có đến 60 Cổng DVC cấp tỉnh đạt mức trung bình ở hai tiêu chí “Mức độ tương thích trên máy tính” và “Mức độ tương thích trên điện thoại thông minh”.
Mặc dù điều kiện phát triển công nghệ không được đầy đủ, nhưng một số tỉnh, như: Phú Thọ, Tuyên Quang, Lai Châu, Đắk Nông, Trà Vinh, Tiền Giang, Bến Tre và An Giang có kết quả đánh giá tốt hơn trên Cổng DVC.
Để nâng cao hiệu quả của các Cổng DVC, các chuyên gia đưa ra các khuyến nghị: Các tỉnh, thành phố cần thực hiện rà soát và khắc phục các lỗi kỹ thuật trên Cổng DVC, bảo đảm tính hiệu quả, thực chất và công khai thông tin để nâng cao tính thuận tiện, dễ tiếp cận và thân thiện với người dùng, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người lớn tuổi và người khuyết tật; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc triển khai và cung cấp DVCTT, đồng thời, truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về sự tiện lợi của Cổng DVC và DVCTT.
Trong đó, tập trung vào việc xây dựng các chính sách và triển khai DVCTT từ góc độ “quản trị số”, chú trọng thúc đẩy tương tác tự nhiên trên môi trường số giữa bên cung ứng và bên sử dụng DVCTT. Ứng dụng công nghệ số và kết nối dữ liệu cần được thực hiện một cách linh hoạt để gỡ bỏ các rào cản hành chính, đồng thời bảo đảm dữ liệu được chia sẻ và kết nối hiệu quả... Trong thời gian từ nay đến năm 2030, cần thiết lập một đầu mối quốc gia cung cấp DVCTT tại một Cổng DVC chung duy nhất.
Được biết, đây là lần đánh giá Cổng DVC thứ hai (lần thứ nhất năm 2023). Lần này, việc cung cấp DVCTT được phân tích sâu hơn trên các phương diện: Mức độ đáp ứng nhu cầu của người dùng; tính đồng bộ; tính công khai, minh bạch; tính chuyên sâu; tính hiệu quả và một số yếu tố khách quan...