Thế giới

Cảnh báo về khả năng lây truyền bệnh đậu mùa khỉ: Không để dịch bùng phát

Thùy Dương 21/08/2024 - 06:37

Thụy Điển và Pakistan đã báo cáo các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ (mpox), vài ngày sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố “tình trạng khẩn cấp” về sức khỏe cộng đồng, đồng thời cảnh báo về khả năng lây truyền ra toàn cầu của bệnh này.

Sau đợt bùng phát lớn ở Cộng hòa Dân chủ Congo, loại vi rút gây bệnh này nhanh chóng lan sang các nước láng giềng. Do đó, việc WHO đưa mức cảnh báo cao nhất là lời khuyến cáo mạnh mẽ, cho phép huy động các nguồn tài trợ để nghiên cứu biện pháp ngăn chặn căn bệnh này.

congo.jpg
Nhân viên y tế tuyên truyền về các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ ở Goma, Cộng hòa Dân chủ Congo. Ảnh: Euronews

Một số quốc gia bên ngoài châu Phi đã báo cáo các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Bộ Y tế quốc gia Pakistan xác nhận trường hợp nhiễm vi rút đầu tiên hôm 16-8 và cho biết bệnh nhân này đến từ Saudi Arabia. Sau khi giải trình tự gen, giới chức y tế Pakistan cho biết, bệnh nhân này không nhiễm chủng mới của vi rút gây bệnh đang lây lan tại châu Phi mà là chủng vi rút Clade 2b. Thời điểm hiện tại, đợt bùng phát bệnh ở Cộng hòa Dân chủ Congo chủ yếu liên quan đến Clade 1b - chủng nghiêm trọng và dễ lây lan hơn qua tiếp xúc thông thường. Trước đó một ngày, các quan chức y tế Thụy Điển đã báo cáo trường hợp mắc bệnh mpox đầu tiên ở nước này với chủng Clade 1b và người này bị nhiễm bệnh ở châu Phi.

Theo WHO, bệnh đậu mùa khỉ do một loại vi rút cùng tên gây ra và được phát hiện ở loài khỉ dùng để nghiên cứu vào năm 1958. Ca bệnh đầu tiên ở người được báo cáo vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Loại vi rút này từng gây ra một đợt bùng phát toàn cầu vào năm 2022 tại các quốc gia trước đây chưa từng ghi nhận ca bệnh, chẳng hạn như ở châu Âu. Có hai phân nhóm của vi rút: chủng Clade 1b, lưu hành ở Trung Phi, được cho là gây ra bệnh nặng hơn; còn đợt bùng phát năm 2022 là do chủng Clade 2b.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi đã tuyên bố mpox là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe và cho biết số ca nghi ngờ mắc bệnh này trên khắp Lục địa đen đã vượt quá con số 17.000 trong năm nay, trong đó có hơn 500 ca tử vong. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Việc xét nghiệm ở vùng nông thôn còn hạn chế, chỉ có 24% trường hợp nghi ngờ được xét nghiệm trong năm nay, nên thực tế con số này có thể cao hơn so với báo cáo chính thức và loại vi rút chết người này đã vượt qua biên giới quốc gia.

Nhiều nước ở châu Phi có số ca mắc mpox ngày càng cao và hoàn toàn có khả năng xuất hiện một đợt bùng phát toàn cầu. Theo thông báo của CDC châu Phi, có 34 quốc gia của Lục địa đen đã báo cáo các ca nhiễm hoặc được coi là "có nguy cơ cao". Ngày 16-8, CDC châu Âu cũng đã nâng mức cảnh báo rủi ro từ mức "thấp" lên "trung bình" và yêu cầu các quốc gia duy trì mức độ nhận thức cao đối với du khách đến từ các khu vực bị ảnh hưởng.

Mpox cùng họ vi rút với bệnh đậu mùa nhưng gây ra các triệu chứng nhẹ hơn, chẳng hạn như sốt, ớn lạnh và đau nhức cơ thể. Tuy nhiên, nó có thể gây ra bệnh nặng và thậm chí tử vong trong một số trường hợp. Loại vi rút này lây truyền qua tiếp xúc vật lý gần, bao gồm cả quan hệ tình dục. Không giống với các đại dịch toàn cầu trước đây như Covid-19, không có bằng chứng nào cho thấy nó dễ dàng lây lan qua không khí.

Phản ứng với tuyên bố khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng của WHO, Jaime Garcia-Iglesias, nghiên cứu viên tại Trung tâm Y sinh học, Bản thân và Xã hội của Đại học Edinburgh (Anh quốc), bày tỏ quan điểm với Euronews rằng: “Tuyên bố của WHO rất quan trọng vì nó khiến các chính phủ hành động”. Cho rằng việc thiếu phương tiện chẩn đoán và vắc xin ở châu Phi đã góp phần gây ra dịch bệnh, ông đề xuất, cần phải có kinh phí cho nghiên cứu và chẩn đoán cũng như thông điệp phù hợp cho cộng đồng. Hiện tại, giới chuyên gia đã kêu gọi phản ứng toàn cầu đối với dịch bệnh và đề nghị các nước không tích trữ vắc xin như đã từng làm trong đại dịch Covid-19.

Cộng hòa Dân chủ Congo hy vọng sẽ nhận được liều vắc xin mpox đầu tiên vào tuần tới, sau khi Mỹ và Nhật Bản hứa giúp nước này chống lại đợt bùng phát dịch bệnh. Washington và Tokyo sẽ hỗ trợ giải quyết tình trạng bất bình đẳng khiến các quốc gia châu Phi không được tiếp cận với hai loại vắc xin được sử dụng trong đợt bùng phát mpox toàn cầu năm 2022, trong khi vắc xin đã được cung cấp rộng rãi ở châu Âu và Mỹ.

Các chuyên gia y tế cho rằng, phải hành động quyết đoán bởi nếu đợt bùng phát này không được kiểm soát, nó chắc chắn có thể gây ra rủi ro cho phần còn lại của thế giới.