Đối ngoại

Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đóng góp tích cực cho hợp tác và phát triển trên thế giới

Hoàng Linh 20/08/2024 - 18:00

Ngày 20-8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân.

screenshot-2024-08-20-at-13.30.21.jpg
Bài viết về chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trên SCMP. Ảnh chụp màn hình

Sự kiện này nhận được sự quan tâm sát sao của truyền thông quốc tế, với nhiều đánh giá ấn tượng về "tình hữu nghị sâu sắc" giữa Việt Nam và Trung Quốc, những nhận định tích cực về triển vọng thúc đẩy hợp tác trong tương lai, dựa trên quan điểm cho rằng mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc sẽ đóng góp tích cực cho cộng đồng quốc tế.

Theo SCMP và ABC News, việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chọn Trung Quốc là điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên với tư cách là nhà lãnh đạo Việt Nam cho thấy, Việt Nam đánh giá cao tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước anh em và luôn coi việc phát triển quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu.

Dẫn nhận định của nhiều học giả quốc tế, SCMP cũng đánh giá, chuyến thăm chính là sự khẳng định mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, cho rằng sự kiện này sẽ mở ra một chương mới trong hợp tác, trong đó hai bên sẽ cùng tìm cách thúc đẩy kết nối kinh tế, đặc biệt là kinh tế kỹ thuật số và chuỗi cung ứng.

Kênh CNA nhận định, chuyến công du Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm "mang tính biểu tượng rất cao, đồng thời muốn gửi đi thông điệp rằng ông muốn tiếp nối di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đã đặt nền tảng chiến lược quan trọng cho quan hệ Việt Nam - Trung Quốc".

Trang mạng của China Daily trích đăng nhận xét của hai nhà lãnh đạo về ý nghĩa đặc biệt của chuyến thăm lần này. Theo đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, chặng đầu tiên trong hành trình chuyến thăm đến với tỉnh Quảng Đông rất có ý nghĩa, bởi đúng 100 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến Quảng Châu hoạt động cách mạng, dấu chân của Người trải khắp nhiều địa phương ở Trung Quốc, để cuối cùng lãnh đạo Việt Nam giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám và giành độc lập cho dân tộc.

Riêng The Straits Times cho rằng, chuyến thăm là dấu hiệu cho thấy quan hệ kinh tế và chính trị giữa hai nước vẫn mạnh mẽ trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục duy trì chiến lược "ngoại giao cây tre", trong đó tìm cách cân bằng mối quan hệ với các cường quốc.

Ngay sau khi diễn ra cuộc hội đàm cấp cao giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, các hãng truyền thông nhà nước của Trung Quốc như Nhân dân nhật báo, Tân Hoa xã, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), Trung Quốc nhật báo, Báo điện tử Đảng Cộng sản Trung Quốc, Báo điện tử Chính phủ Trung Quốc... đều đăng trang trọng ở vị trí nổi bật nhất các tin, bài, hình ảnh lễ đón chính thức, hội đàm cấp cao, lễ ký kết văn kiện hợp tác, tiệc trà và tiệc chiêu đãi trong khuôn khổ chuyến thăm.

Trang mạng của Nhân dân nhật báo đăng tin hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo với dòng nội dung nổi bật: "Nắm bắt phương hướng xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc - Việt Nam, củng cố vững chắc cục diện phát triển "6 hơn": Tin cậy chính trị cao hơn; hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn; hợp tác thực chất sâu sắc hơn; nền tảng xã hội vững chắc hơn; phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; bất đồng được kiểm soát, giải quyết tốt hơn".

Trích dẫn lời Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhiều tờ báo Trung Quốc cũng khẳng định ý nghĩa chuyến thăm cũng như vai trò của quan hệ Trung Quốc - Việt Nam trong bối cảnh thế giới biến động.

Nhiều tin bài cũng cho rằng, việc hai nước duy trì tốc độ phát triển kinh tế và ổn định xã hội lâu dài cho thấy tính ưu việt và sức sống của chế độ và sự nghiệp xã hội chủ nghĩa, phía Trung Quốc coi Việt Nam là ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng, ủng hộ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và con đường xã hội chủ nghĩa phù hợp tình hình đất nước, đi sâu đổi mới, hội nhập và hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa.