TP Hồ Chí Minh: Khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó dịch bệnh
Trước nguy cơ bùng phát bệnh sởi và sốt xuất huyết, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh ứng phó.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), tính từ đầu năm 2024 đến giữa tháng 8, tổng số ca sốt phát ban nghi sởi được ghi nhận trên địa bàn là 597 ca, trong đó số ca dương tính với sởi là 346 ca. Bệnh sởi đã xuất hiện tại 57 phường, xã thuộc 16/22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức.
Thành phố Thủ Đức đã ghi nhận một số ổ dịch sốt xuất huyết và sởi. Đáng chú ý, đây là địa bàn có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất thành phố Hồ Chí Minh với 1.087 ca đã được ghi nhận.
Đối với dịch bệnh sởi, trên địa bàn thành phố Thủ Đức đã ghi nhận 13 ca mắc bệnh, trong đó xuất hiện ổ dịch với 9 ca bệnh tại phường Bình Chiểu. Kết quả xử lý ban đầu cho thấy, đa số ca nhiễm là bệnh nhi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ vắc xin.
Sau khi dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra, Thạc sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc HCDC đề nghị, Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức và các cấp chính quyền tập trung dập dịch trên diện rộng đối với ổ dịch sốt xuất huyết tại phường Hiệp Bình Chánh. Cùng với đó, địa phương khẩn trương rà soát tiền sử tiêm chủng của trẻ để thực hiện tiêm bù vắc xin phòng bệnh sởi, nhất là những trẻ sống tại các khu nhà trọ, mái ấm, nhà mở, cơ sở bảo trợ xã hội.
Một quận vùng ven khác đông dân cư, dịch bệnh phức tạp là quận Tân Phú cũng đang khẩn trương triển khai phòng, chống dịch bệnh. Đơn cử, Bệnh viện quận Tân Phú đã có phương án phòng, chống bệnh sởi khi dịch bệnh bùng phát; đã triển khai việc khám sàng lọc, phân luồng cách ly các trường hợp sốt phát ban nghi sởi ngay tại khoa khám bệnh. Bệnh viện cũng đã bố trí khu vực điều trị bệnh sởi riêng biệt với các trường hợp khác trong khoa nhi. Bên cạnh đó, bệnh viện tổ chức tiêm vắc xin phòng, chống bệnh sởi cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng.
Theo PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, ngành Y tế thành phố đang khẩn trương phối hợp các cấp chính quyền triển khai các hoạt động tăng cường miễn dịch cộng đồng, hướng đến mục tiêu làm giảm số ca mắc và hạn chế thấp nhất ca tử vong.
Ngành Y tế sẽ tiêm bù mũi vắc xin cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng và triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi, bao gồm cả trường hợp trẻ mắc bệnh mạn tính mà không có chống chỉ định tiêm vắc xin.