Văn nghệ

“Những cô gái quan họ”

Lê Phúc Hỷ 20/08/2024 - 06:39

Năm 1966, cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt, hầu hết các ca khúc lúc đó đều mang âm hưởng hùng tráng, mạnh mẽ thì bỗng vang lên bài hát “Những cô gái quan họ” của nhạc sĩ Phó Đức Phương với âm điệu trữ tình, nhẹ nhàng, đậm màu sắc dân ca quan họ.

Bài hát lập tức được công chúng khắp nơi yêu thích, đón nhận nồng nhiệt: “Trên quê hương quan họ (i)/ Một làn nắng (i) cũng mang điệu dân ca/ Giữa mùa lúa thơm cánh cò bay đẹp như trong mộng (i)/ Những cô Tấm ngày xưa như vẫn còn đây trong mùa trẩy hội”...

638588176096237353-1-pho-duc-phuong-20092020.jpg
Nhạc sĩ Phó Đức Phương.

Đây là sáng tác đầu tay của Phó Đức Phương lúc ông 22 tuổi, đang học Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) và đang sơ tán ở tỉnh Hà Bắc (tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh hiện nay). Sinh thời, Phó Đức Phương tâm sự: Quê ngoại tôi ở Bắc Ninh. Khung cảnh làng quê êm đềm với những làn điệu quan họ thấm dần vào hồn tôi, tạo cho tôi một cảm xúc bền vững để viết nên bài “Những cô gái quan họ” mượt mà đằm thắm.

Tuy giai điệu nhẹ nhàng, tươi tắn nhưng ca khúc vẫn bật lên không khí vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu của những cô gái quan họ đảm đang, kiên cường: “Giữa mùa chiến công xóm làng xưa lại ngân câu hò (i)/ Lúa xanh mướt đồng quê ta tiếp bài ca chiêm mùa mở hội/ Đây quê hương ta gái thay trai tay súng tay cày đảm đang (i)/ Giặc đến giặc không đường về, lúa xanh mùa mùa vẫn (i) tươi xanh”. Theo nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, bài hát hệt như dòng suối mát lành chảy qua khu đồi trơ đá sỏi, như luồng gió mát rượi lùa qua trưa hè nóng bức.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương (1944 - 2020) quê Văn Giang, Hưng Yên. Ông từng là Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội. Ông sáng tác không nhiều nhưng hầu hết tác phẩm của ông đều gây ấn tượng, nổi tiếng và tạo cảm xúc đặc biệt trong tâm hồn công chúng.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2001 cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.