Gắn nghiên cứu khoa học công nghệ với nhu cầu xã hội
Trong nhiều năm qua, những người làm khoa học ở Việt Nam thường bị đánh giá một cách thiên lệch là “không làm ra công nghệ doanh nghiệp cần” hoặc “chỉ làm cái mình thích chứ không phải làm cái thiết thực, cái xã hội cần”. Do đó, để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ gắn với nhu cầu thực tiễn xã hội.
Khó thương mại hóa kết quả nghiên cứu
Một trong những tiêu chí để xét tặng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa (giải thưởng của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) là công trình phải có tính ứng dụng trong thực tiễn, được tổ chức triển khai ứng dụng tại Việt Nam và có hiệu quả lớn, lâu dài về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.
PGS.TS Trịnh Văn Tuyên, một trong những chủ nhân của Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019 cho biết, để theo đuổi, đưa sản phẩm của mình ra thị trường các nhà khoa học phải vượt qua rất nhiều khó khăn. “Công trình nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý chất thải nguy hại công nghiệp và y tế” của ông được thực hiện từ những năm 2000. Từ năm 2003 đến nay, công trình đã được triển khai đưa vào ứng dụng thực tế, đạt hiệu suất xử lý cao tại hơn 50 cơ sở xử lý chất thải rắn nguy hại và hơn 25 cơ sở xử lý nước thải y tế ở trong và ngoài nước.
PGS.TS. Trịnh Văn Tuyên chia sẻ: “Để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, theo tôi, có một số vấn đề cần giải quyết. Thứ nhất là các doanh nghiệp có nhu cầu công nghệ khó tiếp cận thông tin và ngược lại, nhà khoa học cũng khó có kênh để tiếp cận doanh nghiệp. Thứ hai, hệ thống xử lý chất thải ở các công trình lớn có khi lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Và thường thì bên có trách nhiệm yêu cầu hồ sơ của mình phải có 2-3 công trình tương tự thì mới được tham gia. Vậy thì các nhà khoa học lấy đâu ra? Cho nên, chúng tôi bây giờ không phải là thi công từ A đến Z mà phải tiếp cận theo hướng tư vấn tính toán thiết kế. Như thế chi phí sẽ ít hơn, bù lại hàm lượng khoa học và chất xám sẽ nhiều hơn. Thứ ba là việc bị ăn cắp bản quyền sáng chế. Công trình của chúng tôi đã có 6-7 bằng sáng chế độc quyền và giải pháp hữu ích nhưng có những nơi mà tôi đến để nghiệm thu các thiết bị lắp đặt thì thấy 3 thiết bị giống hệt của chúng tôi, chỉ khác quy mô. Những thông tin khoa học được công bố có thể đã bị lấy cắp".
PGS.TS. Phan Tiến Dũng, Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết thêm, thực tế, các quốc gia luôn khuyến khích nhà khoa học đưa kết quả nghiên cứu của mình ứng dụng sớm nhất để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tái đầu tư cho các nhà khoa học cũng như cơ sở khoa học.
Nghiên cứu phải bám sát cuộc sống
Là nhà khoa học có sản phẩm công nghệ được chuyển giao, PGS.TS Đinh Duy Kháng (Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019) cho biết, để các đề tài nghiên cứu đáp ứng nhu cầu của sản xuất, đầu tiên phải tìm hiểu thị trường, tìm hiểu doanh nghiệp, tức là cứ xã hội cần gì thì nghiên cứu làm cái đó.
“Nếu như chúng ta định hướng ngay từ đầu những nghiên cứu khoa học bám sát vào cuộc sống thì việc đưa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn không phải quá khó khăn. Ví dụ, công trình “Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất vắc xin cúm gia cầm subtype A/H5N1 ở Việt Nam” của chúng tôi, các nhà lãnh đạo hồi ấy đã rất nhạy bén, yêu cầu phải có vắc xin để bảo vệ đàn gia cầm, bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước. Hiện nay, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, sản xuất vắc xin Bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tất cả các nhà khoa học, nếu biết định hướng phục vụ thực tiễn xã hội thì việc đưa kết quả nghiên cứu, thương mại hóa sản phẩm sẽ không khó khăn”, PGS.TS Đinh Duy Kháng chia sẻ.
PGS.TS Phan Tiến Dũng cho rằng, là cơ quan đứng đầu về nghiên cứu khoa học và công nghệ quốc gia, trong những năm qua, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã đề xuất nhiều giải pháp đột phá, đồng bộ nhằm đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ gắn với nhu cầu thực tiễn xã hội góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
“Chúng tôi đã tăng cường các khóa đào tạo cho các nhà khoa học về sở hữu trí tuệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu; thường xuyên hợp tác với các bộ, ngành, địa phương để tìm hiểu các bài toán thực tiễn của địa phương; đẩy mạnh kết nối với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các hiệp hội, doanh nghiệp để tổ chức các sự kiện xúc tiến công nghệ mang tính chuyên ngành, qua đó, nảy sinh nhiều vấn đề có thể hợp tác. Ngoài ra, trang web của Viện luôn cập nhật các danh mục nghiên cứu ứng dụng cũng như các bài viết giới thiệu về kết quả nghiên cứu để các doanh nghiệp quan tâm biết và liên hệ. Mới đây, chúng tôi đã được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) lựa chọn để chia sẻ những kinh nghiệm thành công trong quản trị tài sản trí tuệ và đưa các kết quả nghiên cứu khoa học từ phòng thí nghiệm ra thị trường”, PGS.TS Phan Tiến Dũng cho hay.