Xây dựng nguyên tắc định giá điện nhất quán trong Luật Điện lực
Chiều 19-8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Xác định rõ lộ trình xóa bỏ “bù chéo” giá điện
Trình bày tờ trình dự án Luật, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) bao gồm 9 chương với 121 điều. Trong đó, kế thừa và có sửa đổi chủ yếu 62 điều, bỏ 4 điều, gộp 4 điều vào các điều khác.
Dự thảo Luật bổ sung 59 điều gồm các nội dung về quy hoạch phát triển điện lực, chính sách đấu thầu chủ đầu tư các dự án nguồn điện, chính sách xử lý các nguồn điện khẩn cấp, các chính sách về năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió), năng lượng mới với điều kiện tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp, cơ chế mua bán điện trực tiếp, triển khai đầy đủ các cấp độ của thị trường điện cạnh tranh, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các thành phần kinh tế, các loại giá điện, giá mua bán điện theo thời gian trong ngày, giá điện nhiều thành phần...
Với yêu cầu cấp thiết cần sớm hoàn thiện và ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) sớm nhất có thể để triển khai trong thực tiễn, bảo đảm an ninh năng lượng trong giai đoạn sắp tới, do đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật này theo quy trình một kỳ họp (cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ tám của Quốc hội khóa XV).
Báo cáo thẩm tra về dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, về giá điện và giá các dịch vụ về điện, Thường trực Ủy ban đề nghị, nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể về việc bảo đảm cơ cấu giá điện ổn định; quy định nguyên tắc, lộ trình rõ ràng về cải cách giá điện như: Xóa bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, thực hiện giá điện hai thành phần, giá điện cho khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện, giá điện nhập khẩu, xuất khẩu... để tạo tín hiệu tốt, thu hút đầu tư vào ngành điện. Đồng thời, cần quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giá điện.
Ông Lê Quang Huy cũng cho rằng, đây là dự án Luật khó, phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp. Do vậy, đề nghị đối với dự án Luật này nên được xem xét, thông qua theo quy trình 2 kỳ họp để Quốc hội có thêm thời gian nghiên cứu, lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động của Luật, bảo đảm tính khả thi của dự thảo Luật.
Trường hợp dự án Luật được Chính phủ chuẩn bị tốt, quá trình thảo luận tại Quốc hội đạt sự đồng thuận cao thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tám theo quy trình tại một kỳ họp.
Cần quy định “mở” để xã hội hóa truyền tải điện
Thảo luận về dự thảo Luật tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, đối với chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực, quy định về Nhà nước “độc quyền” trong vận hành truyền tải điện là cần thiết nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Tuy nhiên, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, cần nghiên cứu vấn đề Nhà nước “độc quyền” ở mức nào đó (ví dụ như cao áp, siêu cao áp), còn lại việc vận hành truyền tải điện dưới cao áp, cục bộ địa bàn có thể giao các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia đầu tư để huy động hiệu quả nguồn lực xã hội tham gia công tác vận hành truyền tải điện.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cũng cho rằng, cần có quy định “mở” để phát huy xã hội hóa trong đầu tư vận hành truyền tải điện, thực hiện lộ trình giá điện theo cơ chế thị trường, từ đó bảo đảm sự đồng bộ trong huy động xã hội hóa giữa đầu tư dự án nguồn điện và dự án vận hành truyền tải điện.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật bao gồm năng lượng tái tạo, năng lượng mới; trong khi Nghị quyết giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ xây dựng Luật về năng lượng tái tạo. Do đó, ông Hoàng Thanh Tùng cho rằng, cần làm rõ mối quan hệ giữa Luật Điện lực (sửa đổi) và việc xây dựng Luật về năng lượng tái tạo.
“Các quy định trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) mới chỉ là quy định về nguyên tắc, chưa giải quyết được vấn đề về năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong bối cảnh hiện nay”, ông Hoàng Thanh Tùng nói.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị quá trình sửa đổi Luật cần bám sát Nghị quyết số 55-NQ/TƯ ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý các quy định về cơ chế quản lý, điều tiết giá điện là những quy định ảnh hưởng đến đời sống thực tiễn và được dư luận rất quan tâm; do đó, việc xây dựng nguyên tắc định giá điện phải thực hiện một cách nhất quán, bảo đảm bù đắp toàn bộ chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế, hợp lý, hợp lệ và có lợi nhuận cho các đơn vị điện lực, phù hợp với mặt bằng thị trường.
Chủ tịch Quốc hội cũng tin tưởng, việc sửa đổi Luật sẽ tháo gỡ trở ngại để phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn trong đời sống, sinh hoạt của người dân. “Người dân rất quan tâm đến dự án Luật Điện lực (sửa đổi) vì điện liên quan đến đời sống hằng ngày của mọi người”, đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.