Kinh tế

Ngành công nghiệp có thể tiết kiệm 30-35% năng lượng

Lam Giang 19/08/2024 - 15:23

Theo Bộ Công Thương, các ngành công nghiệp đang chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, với tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên tới 30-35%.

toa-dam.jpg
Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: PV

Thông tin được nêu tại Tọa đàm “Tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp: Bài toán công nghệ và chính sách” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 19-8, tại Hà Nội.

Trên cơ sở "Danh sách các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2021" được Thủ tướng Chính phủ ban hành, hiện cả nước có 3.068 doanh nghiệp có mức tiêu thụ năng lượng từ 1.000 tấn dầu quy đổi hoặc 6 triệu kWh điện/năm trở lên, hầu hết là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.

Nếu các doanh nghiệp này thực hành để tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm thì bình quân mỗi năm, cả nước tiết kiệm được khoảng 1,6 tỷ kWh, tương ứng hơn 3.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn ngại thay đổi và cho rằng, việc đầu tư vào tiết kiệm năng lượng mất nhiều chi phí và công sức.

Đánh giá về thực trạng tiết kiệm năng lượng của doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) cho hay, không ít doanh nghiệp còn hạn chế trong nhận thức về tiết kiệm điện, chưa thực sự quan tâm, thậm chí là không đủ năng lực, tài chính… Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chưa áp dụng, chưa tối ưu hóa được dây chuyền sản xuất, quy trình sản xuất, dẫn tới việc vẫn còn sử dụng năng lượng một cách lãng phí.

“Đặc biệt, chính sách giá điện đang thực hiện theo Quyết định số 28/QĐ-Ttg được ban hành từ năm 2014. Thực tế, giá phụ thuộc vào các cấp điện áp nhưng chúng ta thấy rằng, đối với giá giờ bình thường của sản xuất chiếm 84-92% giá bình quân và giờ thấp điểm từ 52-59% giá bình quân. Với giá điện thấp như vậy thì việc tiết kiệm điện đối với các doanh nghiệp sản xuất cũng chưa được quan tâm một cách thực sự” - ông Nguyễn Quốc Dũng nói.

Ông Mạch Đình Khoa, Giám đốc Phát triển chiến lược kinh doanh và hoạt động thương mại, Công ty TNHH Schneider Electric Việt Nam, cho hay, hiện một số ngành, chi phí điện chiếm từ 15-20% tổng giá thành sản xuất của mỗi sản phẩm.

Với thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt thì việc tối ưu hóa chi phí sản xuất, đồng thời, có thể hạ giá bán sản phẩm hoặc giữ nguyên giá bán sản phẩm là việc rất quan trọng. Mặt khác, tiêu chuẩn của các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đang chú trọng sản phẩm tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải carbon.

Ông Đặng Hải Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) chia sẻ, thời gian qua, nhiều chính sách đã được ban hành, đặc biệt, từ năm 2010 có Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đến thời điểm này, chúng ta đã có 16 thông tư, 2 nghị định và 2 quyết định của Thủ tướng cũng như khoảng 34 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã được ban hành liên quan đến tiết kiệm năng lượng.

Năm 2019, Thủ tướng cũng đã ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg với chương trình mục tiêu quốc gia, tiết kiệm năng lượng từ 7% đến khoảng 10% năm 2025 và đến năm 2030, Việt Nam phải tiết kiệm được khoảng 10% so với kịch bản tiêu thụ năng lượng bình thường.