Thế giới

Nhật Bản: Thí nghiệm hải sản chứng minh độ an toàn nước xả từ nhà máy hạt nhân Fukushima

Hoàng Linh 19/08/2024 - 11:37

Ngày 19-8, nhiều kênh truyền thông cho biết các loại hải sản mà Nhật Bản thí nghiệm nuôi 1 năm qua tại vùng biển quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi không có phóng xạ.

fuku_19_2.jpg
Thí nghiệm cũng so sánh cá nuôi trong bể với nước xử lý ALPS pha loãng (vàng) và bể nước biển thông thường (xanh). Ảnh: The Straits Times.

TEPCO - công ty điện lực Tokyo (đơn vị vận hành nhà máy điện hoạt nhân Fukushima Daiichi) - đã bắt đầu nuôi các loại sinh vật biển vào tháng 9-2022, khoảng một năm trước khi đợt xả nước đã qua xử lý đầu tiên vào Thái Bình Dương bắt đầu vào ngày 24-8-2023.

Theo mô tả của The Straits Times (Singapore), hải sản trong bể màu vàng được nuôi trong nước đã được chế biến thông qua Hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS) nhằm loại bỏ chất phóng xạ, sau đó pha loãng với nước biển. Hỗn hợp này tương tự những gì Nhật Bản đang xả ra biển trong thời gian vừa qua.

dsc00262.jpg
Cá bơn (loài sống đáy) nuôi trong bể nước đã qua xử lý ALPS. Ảnh: The Straits Times.

Cá bơn, bào ngư và rong biển - tất cả các món ngon của vùng đông bắc Nhật Bản đều được nuôi tại chỗ trong thí nghiệm này. Các camera được lắp đặt để giám sát mọi biến đổi trong các bể.

Bằng cách phát trực tiếp các hoạt động của những con cá này 24/7, TEPCO muốn cho thế giới thấy rằng, nước được xả ra sau khi đã xử lý là an toàn và không có tác động tiêu cực đến hệ sinh thái dưới mặt nước biển.

Ông Kazuo Yamanaka, người giám sát phòng thí nghiệm thử nghiệm nuôi sinh vật biển tại Fukushima Daiichi, cho biết thêm rằng, việc tiến hành thí nghiệm cũng có mục đích giải tỏa lo lắng của ngư dân địa phương về việc hải sản trong khu vực sẽ khó tiêu thụ do quá trình xả nước thải.

fuku_19.jpg
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi nằm trên một khu phức hợp rộng lớn có diện tích 3,5 km vuông. Ảnh: The Straits Times.

Trong diễn biến có liên quan, Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA) và Cơ quan Môi trường quốc gia (NEA) cùng ngày cũng cho biết, đã theo dõi mức độ phóng xạ xung quanh Singapore thông qua mạng lưới 40 trạm và cơ chế lấy mẫu thường xuyên.

Hai cơ quan này cho biết, tới nay không có chất gây ô nhiễm phóng xạ nào được phát hiện trong thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản kể từ năm 2013. Trong khi đó, mức độ phóng xạ xung quanh Đảo quốc Sư tử vẫn nằm trong mức nền tự nhiên.