Thế giới

Chính phủ liên minh của Đức: Nỗ lực kéo giảm thâm hụt ngân sách

Quỳnh Dương 19/08/2024 - 06:48

Trong một nỗ lực nhằm giải quyết dư âm cuộc khủng hoảng ngân sách kéo dài từ cuối năm 2023, chính phủ liên minh của Đức đã đạt được sự nhất trí về các giải pháp mới nhằm giảm khoản thâm hụt từ 17 tỷ euro xuống còn 12 tỷ euro trong năm 2025.

Động thái này diễn ra ít ngày sau khi nội các Đức thông qua bản dự thảo ngân sách cho năm tới, kết thúc nhiều tháng đàm phán căng thẳng.

8-2-.jpg
Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner, Thủ tướng Olaf Scholz, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck (từ trái sang phải) đã nhất trí cắt giảm thâm hụt ngân sách năm 2025. Ảnh: The Local Germany

Các nhà lãnh đạo liên minh cầm quyền của Đức gồm Thủ tướng Olaf Scholz của Đảng Dân chủ Xã hội, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck của Đảng Xanh và Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner của Đảng Dân chủ Tự do đã tranh luận trong nhiều tháng về ngân sách Chính phủ cho năm 2025. Điểm mấu chốt là các khoản thâm hụt của Chính phủ không thể trang trải bằng cách vay thêm do chính sách “phanh nợ” phức tạp của Đức.

Chính sách này được áp dụng từ năm 2009, dưới thời cựu Thủ tướng Angela Merkel, nhằm hạn chế thâm hụt ngân sách ở mức khoảng 0,35% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chính sách này được miễn thực thi trong giai đoạn 2020-2022 để có thể gia tăng các khoản chi tiêu công nhằm khẩn cấp đối phó với dịch bệnh. Đến năm 2023, "phanh nợ" được áp dụng trở lại. Đây cũng là một trong những lý do dẫn đến phán quyết của Tòa án Tối cao cho rằng, Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã vi phạm quy định nợ công khi chuyển gần 60 tỷ euro, vốn dành cho các hoạt động khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 song chưa sử dụng, sang quỹ chống biến đổi khí hậu. Phán quyết này đã tạo ra một "lỗ hổng" 60 tỷ euro và làm đảo lộn kế hoạch chi tiêu của Chính phủ Đức cho năm tài khóa 2024 khi buộc phải đình chỉ phần lớn dự án được tài trợ thông qua Quỹ biến đổi khí hậu.

Ban đầu, một số nhà lãnh đạo đề xuất đưa khoản thâm hụt ngân sách năm 2025 về 17 tỷ euro. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng con số này vẫn chưa tiệm cận mức mục tiêu cần thiết. Trong một thỏa hiệp đạt được vào cuối tuần qua nhằm cứu vãn kế hoạch chi tiêu sau khi các đề xuất ban đầu đổ vỡ, đại diện các đảng đã nhất trí giảm mức thâm hụt xuống còn 12 tỷ euro. Liên minh cầm quyền hy vọng sẽ bù đắp thâm hụt bằng cách kích thích tăng trưởng kinh tế, qua đó tăng doanh thu của Chính phủ, thay vì tăng vay nợ.

Theo Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner, Chính phủ đang tìm kiếm những sáng kiến để giảm thâm hụt. Ông nhấn mạnh vai trò của tăng trưởng kinh tế trong việc tạo ra các cơ hội tài chính, đồng thời giới thiệu một kế hoạch đầu tư đầy tham vọng và chiến lược phân bổ các quỹ để tăng cường cơ sở hạ tầng xã hội cũng như quốc phòng của Đức. Bộ Tài chính ước tính, các gói đầu tư mới sẽ tạo ra thêm 6 tỷ euro doanh thu cho ngân sách vào năm tới. Ngoài ra, các biện pháp giảm bớt thủ tục hành chính, cung cấp ưu đãi về việc làm để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động và ưu đãi đầu tư sẽ giúp cải thiện nền kinh tế đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Trong số các khoản đầu tư đáng chú ý, dự thảo ngân sách năm 2025 có kế hoạch chi tổng cộng 15,1 tỷ euro vào cơ sở hạ tầng đường sắt. Theo giới truyền thông Đức, quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Công ty Vận tải đường sắt Đức thuộc sở hữu nhà nước đang chịu nhiều áp lực trước những yêu cầu đòi hỏi cải thiện các dịch vụ cũng như giảm sự chậm trễ của các chuyến tàu, vốn gây khó khăn cho hành khách và khiến lợi nhuận giảm sút.

Để thu hẹp khoảng trống ngân sách, chi tiêu công trong năm 2025 cũng bị cắt giảm 2%. Tổng ngân sách chỉ còn 480,6 tỷ euro, ít hơn khoảng 8 tỷ euro so với năm 2024. Các bộ bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm bao gồm Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển liên bang, Bộ Ngoại giao, Bộ Kinh tế liên bang và hành động khí hậu.

Các chuyên gia tài chính nhận định, kế hoạch 10 điểm của Chính phủ Đức cho năm 2024 khó có thể thúc đẩy đáng kể các khoản đầu tư hoặc đưa nền kinh tế thoát khỏi quỹ đạo tăng trưởng thấp. Tăng trưởng GDP dự kiến sẽ đạt 0,9% vào năm 2025. Ngoài thâm hụt ngân sách ở mức cao, Đức cũng đang phải vật lộn với các vấn đề mang tính cơ bản, bao gồm tình trạng thiếu lao động, chi phí năng lượng tăng cao, môi trường pháp lý và thuế nặng nề, tiến độ số hóa chậm và chia rẽ nội bộ.

Theo kế hoạch, Quốc hội Đức sẽ thảo luận về dự thảo ngân sách được Chính phủ trình lên vào giữa tháng 9 và dự kiến thông qua trước khi kết thúc năm 2024. Các nhà lãnh đạo Đức hy vọng, những giải pháp mới cho ngân sách sẽ góp phần cải thiện tình hình kinh tế nước này trong thời gian tới.