Những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở Sơn Tây
Hằng năm, Hội Nông dân thị xã Sơn Tây đều phát động thi đua sâu rộng phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đến cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn.
Nhờ đó, trên địa bàn thị xã đã có nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao và có không ít gương nông dân sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu.
Điển hình là hội viên nông dân Lê Viễn Tưởng ở tổ dân phố 4, phường Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây). Theo anh Tưởng, trước đây, gia đình anh sản xuất đồ mộc gia dụng. Từ năm 2010 đến nay, gia đình anh đã sản xuất, kinh doanh đồ gỗ nội thất, với các sản phẩm giường, tủ, bàn, ghế, cầu thang… Anh Tưởng chia sẻ, cơ sở sản xuất của gia đình anh đã tạo việc làm cho gần 20 lao động với thu nhập từ 350.000 đến 700.000 đồng/người/ngày và doanh thu đạt hơn 10 tỷ đồng/năm. Với những nỗ lực trong sản xuất, kinh doanh, nhiều năm liền, anh Tưởng được công nhận là hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp thị xã và năm 2022 được công nhận cấp thành phố.
Cũng là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp thị xã, ông Bùi Văn Tiến ở thôn Tây Vị (xã Thanh Mỹ) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cho hiệu quả kinh tế cao. Gia đình ông có 1.300m2 đất trồng lúa tại cánh đồng thôn Tây Vị, nhưng nằm trong vùng bị úng ngập, năng suất thấp. Do đó, ông Tiến đã quyết định chuyển đổi sang trồng mướp hương. Từ khi trồng đến lúc mướp ra trái khoảng 40-50 ngày, thời gian thu hoạch quả kéo dài 3-4 tháng. Ông Tiến cho hay, mướp hương là loại cây dễ chăm sóc, vốn đầu tư ít, phù hợp với chất đất hiện có, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi ngày, vườn mướp của gia đình ông cho thu hoạch từ 100 đến 120kg quả, giá bán dao động từ 10.000 đến 14.000 đồng/kg…
Ngoài ra, còn có thể kể đến nhiều tấm gương nông dân tiêu biểu khác ở Sơn Tây đã biết phát huy lợi thế của địa phương, khai thác mọi tiềm năng đất đai, lao động, tiền vốn để phát triển những mô hình sản xuất hiệu quả và trở thành những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, như: Hộ ông Phạm Văn Hóa (xã Cổ Đông) với mô hình chế biến miến dong mang lại thu nhập hơn 3 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động; hộ ông Nguyễn Đức Tường, bà Hạ Thị Chinh (phường Trung Sơn Trầm) với mô hình trồng hoa, cây cảnh, cây công trình cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm…
Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Sơn Tây Khuất Văn Sỹ cho biết, thông qua phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, trên địa bàn thị xã có nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả cao, thu nhập hàng trăm triệu đồng/hộ mỗi năm. Nhiều hộ hội viên nông dân có quy mô sản xuất, kinh doanh lớn với nguồn vốn đầu tư hàng tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động, doanh thu đạt từ hàng trăm triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng/năm. Trong giai đoạn 2021-2023, thị xã có trung bình 4.912 hộ đạt danh hiệu hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi 4 cấp, trong đó có hơn 440 hộ nông dân được công nhận đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp thị xã, thành phố; 18 hộ đạt cấp trung ương.
Cũng từ phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn chuyển đổi, phá vỡ thế độc canh trong sản xuất nông nghiệp, góp phần đa dạng hóa sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn... Trong đó phải kể đến hộ ông Nguyễn Văn Luân (xã Cổ Đông) với mô hình chăn nuôi trang trại, sản xuất gia công hàng may mặc công nghiệp, tổng thu nhập hơn 4 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động; hộ bà Bùi Thị Hiếu (phường Viên Sơn) đã thành lập Hợp tác xã Nông sản an toàn Viên Sơn, thu mua nông sản cho nông dân, doanh thu đạt từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm.
Ông Khuất Văn Sỹ khẳng định, thông qua phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã góp phần chuyển biến tư duy trong sản xuất, kinh doanh của nông dân thị xã Sơn Tây, từ coi trọng về số lượng chuyển sang nâng cao chất lượng sản phẩm, lợi nhuận cao; từ sản xuất cá thể, tự phát sang liên kết, hợp tác mở rộng quy mô sản xuất. Đồng thời, trên địa bàn thị xã cũng phát triển mạnh các mô hình trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, nông dân liên kết với doanh nghiệp để tạo ra vùng sản xuất theo hướng chuyên canh, tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu; sản xuất gắn với bảo vệ môi trường và sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng cao...