Cấp mã số cho vùng trồng nông sản: Mở ra nhiều cơ hội thuận lợi
Để nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực, Hà Nội đã tập trung thực hiện cấp mã số vùng trồng, từ đó kiểm soát một cách hiệu quả từ quy trình sản xuất đến truy xuất nguồn gốc trên thị trường.
Mã số vùng trồng còn mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường các nước, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Cần thiết nhưng vẫn còn khó khăn
Theo Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Cung ứng rau sạch Thắng Lợi (huyện Thường Tín) Trương Văn Thường, trước những yêu cầu khắt khe về chất lượng, kiểm soát an toàn thực phẩm và đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, từ năm 2021 đến nay, hợp tác xã đã được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cấp mã số vùng trồng; sản phẩm chuối xuất khẩu được cấp giấy chứng nhận an toàn VietGAP. Việc cấp mã vùng trồng, quy trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ, đạt chuẩn VietGAP giúp hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm được dễ dàng, thuận lợi hơn. Trung bình mỗi năm, hợp tác xã có từ 600 đến 800 tấn chuối xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, góp phần nâng cao giá trị hàng nông sản.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở NN&PTNT) Lưu Thị Hằng cho biết, thành phố đã cấp được 16 mã số vùng trồng xuất khẩu và 133 mã số vùng trồng trong lĩnh vực trồng trọt. Sau khi cấp mã vùng trồng, chi cục thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Nhờ đó, trong 6 tháng năm 2024, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Hà Nội đạt hơn 1,2 tỷ USD, tăng 58,5%, trong đó hàng nông sản đạt 836 triệu USD. Một số nông sản xuất khẩu chính là sản phẩm quế, hồi, gia vị, chè xanh, rau, củ, quả và các sản phẩm nông sản khác như: Gạo, nấm hương, mộc nhĩ, hạt tiêu, tinh bột sắn…
Có thể nói, việc xây dựng mã số vùng trồng không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm nông sản khi tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước, mà còn góp phần tác động, thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của người dân, chuyển hướng sang sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp và bền vững hơn.
Bên cạnh những hiệu quả mang lại, việc xây dựng, duy trì mã số vùng trồng còn hạn chế, do sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ. Thực trạng này gây khó khăn cho công tác kiểm soát mã số vùng trồng. Ðể được cấp mã số vùng trồng, quá trình sản xuất cần bảo đảm các yêu cầu, như: Quy trình kiểm soát được sinh vật gây hại ở mức độ thấp và được cấp phép sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của nước nhập khẩu. Vùng trồng phải áp dụng biện pháp canh tác, quản lý sinh vật gây hại và bảo đảm giảm thiểu sinh vật gây hại, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP; có sổ nhật ký đồng ruộng, ghi chép đầy đủ mọi tác động lên cây trồng trong một vụ sản xuất. Trong khi đó, trình độ người dân còn hạn chế, nên không dễ tiếp cận với quy trình cập nhật thông tin sản xuất trên cơ sở dữ liệu quản lý theo quy định về cấp mã số vùng trồng.
Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh, với đặc thù là sản phẩm rau, củ, quả, thời gian canh tác và bảo quản không được dài, nên việc lấy mẫu kiểm tra chất lượng phục vụ cho xuất khẩu cần bảo đảm nhanh và linh hoạt. Khi thời gian kiểm định chất lượng quá dài, thì rau, quả dễ hỏng hoặc quá lứa, không bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu, gây khó khăn cho việc đáp ứng các đơn đặt hàng đã ký kết với doanh nghiệp.
Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất
Để tiến tới nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, giá trị kinh tế cao, ngành Nông nghiệp và các địa phương cần đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng cho nông sản, đáp ứng tiêu chuẩn về xuất khẩu. Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh rau, củ, quả an toàn, du lịch làng sinh thái Tâm Anh (huyện Phú Xuyên) Đào Thị Lương cho biết, hợp tác xã thường xuyên tuyên truyền để các thành viên tuân thủ nghiêm túc quy trình sản xuất, kiểm soát chất lượng theo yêu cầu của đối tác, từ việc ghi chép nhật ký đồng ruộng đến chăm sóc, chế biến, sơ chế, bảo quản sản phẩm. Song, các ngành chức năng cần hỗ trợ hợp tác xã trong xây dựng chuỗi liên kết giá trị, xây dựng thương hiệu, tham gia hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài thành phố để tiếp cận với các kênh phân phối hiện đại và hướng tới xuất khẩu.
Bên cạnh việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, các thị trường xuất khẩu lớn đã đưa ra nhiều tiêu chuẩn với chất lượng nâng cao hơn, nhằm giảm thiểu rủi ro, truy xuất rõ nguồn gốc... Do đó, việc đăng ký mã số vùng trồng là một cơ sở quan trọng để khẳng định chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm của nông sản, qua đó, xây dựng uy tín trên thị trường. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa, Hà Nội có tiềm năng lớn để xuất khẩu cây ăn quả và hoa, cây cảnh. Tuy nhiên, để mở rộng thị trường xuất khẩu, tất cả mặt hàng nông sản được thu mua từ những khu vực có mã số vùng trồng đều phải bảo đảm chất lượng, không bị nhiễm vi sinh vật gây hại, không vi phạm về an toàn thực phẩm và được chuẩn hóa về bao bì, mẫu mã.
Sở NN&PTNT Hà Nội đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn, tập huấn chuyên môn cho người dân, doanh nghiệp và cán bộ địa phương về các quy định của nước nhập khẩu; tăng cường thanh tra, kiểm tra và siết chặt quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu, bảo đảm yêu cầu về kiểm dịch thực vật, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Ngành Nông nghiệp Hà Nội cũng phối hợp với các địa phương xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, tạo ra sản phẩm chất lượng, truy xuất được nguồn gốc, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm; đồng thời vận động, kêu gọi doanh nghiệp tích cực phối hợp, liên kết xây dựng vùng nguyên liệu; đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho cơ sở đóng gói để đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.