Điểm đến

Để Tây Hồ thực sự trở thành điểm đến xanh - văn hiến - hiện đại: Tập trung tháo gỡ "điểm nghẽn"

Linh Tâm 18/08/2024 16:19

Là hồ tự nhiên lớn nhất và nằm ở vị trí trung tâm Thủ đô, lại nắm giữ những giá trị quan trọng về văn hóa - lịch sử của Thủ đô, hồ Tây được coi là một “báu vật quốc gia” cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị.

Ngày 7-8 vừa qua, UBND quận Tây Hồ đã tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá tiềm năng phát triển bền vững du lịch hồ Tây” nhằm tìm ra những giải pháp thực tiễn, phù hợp để khai thác các tiềm năng, lợi thế, qua đó phát triển bền vững du lịch tại hồ Tây, đồng thời đưa quận Tây Hồ trở thành một trong những trung tâm dịch vụ, du lịch, văn hóa của Thủ đô.

445066467_10211810019042321_4141243087357061248_n.jpg
Hồ Tây nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Việt Khánh

Những giá trị nổi bật

Hồ Tây có diện tích hơn 500ha mặt nước và 18,6km đường dạo quanh hồ, hiện là hồ lớn nhất ở Hà Nội. Theo các nhà nghiên cứu, hồ Tây nằm ở địa thế đẹp và thuận lợi, chẳng thế mà từ cách đây hơn 1.000 năm, các đời vua Lý, Trần, Lê... đều chọn xây cung điện để nghỉ ngơi quanh hồ Tây. Có thể kể đến cung Thúy Hoa, Từ Hoa được xây vào thời Lý. Đến thời Trần, cung Thúy Hoa được đổi thành điện Hàm Nguyên, thuộc khu vực chùa Trấn Quốc hiện nay, còn cung Từ Hoa nay thuộc khu vực chùa Kim Liên. Vào thời Lê có điện Thụy Nguyên, chính là khu vực Trường THPT Chu Văn An hiện nay.

Tuy nhiên, nhắc đến hồ Tây không chỉ nói đến hồ nước có cảnh quan đẹp mà còn phải nói đến cả một vùng bao quanh với hệ thống di tích lịch sử, di sản văn hóa phi vật thể dày đặc về số lượng và đa dạng về loại hình. Theo thống kê, quận Tây Hồ hiện có 71 di tích, trong đó có 42 di tích đã được xếp hạng các cấp. Phần lớn các di tích này đều hướng mặt ra hồ Tây và là những di tích có nghệ thuật kiến trúc đặc sắc như chùa Trấn Quốc, chùa Kim Liên, chùa Thiên Niên, chùa Tảo Sách, đền Quán Thánh, phủ Tây Hồ...

Xung quanh hồ Tây còn có nhiều làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng như làng trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa Nghi Tàm; làng dệt lĩnh Xuân La, Trích Sài; các làng Hồ Khẩu, Đông Xã, An Thọ có nghề làm giấy dó, giấy lệnh; làng nghề trồng đào Nhật Tân, làng quất cảnh Tứ Liên... Hằng năm, các làng đều tổ chức lễ hội để tri ân công đức của các vị Thành hoàng đã phù hộ cho người dân một cuộc sống no ấm, hạnh phúc. Đặc biệt, xung quanh hồ Tây cũng có nhiều đền, phủ gắn với Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Đây chính là hệ thống di sản văn hóa phi vật thể phong phú gắn liền với các di tích, tạo nên một vùng di sản đậm đặc trên địa bàn quận Tây Hồ. Không gian lịch sử cùng nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn phong phú đó chính là nền tảng thuận lợi để quận Tây Hồ đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.

Bên cạnh nguồn lực về di sản, Tây Hồ còn sở hữu nhiều lợi thế về cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, gồm 126 cơ sở lưu trú với 5.157 phòng (trong đó có 2 khách sạn 5 sao, 1 khách sạn 4 sao...). Hệ thống khách sạn tiêu chuẩn quốc tế như Sheraton, InterContinental, Thắng Lợi... đáp ứng tốt việc đón khách du lịch có mức chi tiêu cao. Hiện nay, trên địa bàn quận có 1.670 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống với nhiều sản phẩm ẩm thực khẳng định thương hiệu Tây Hồ như trà sen Quảng An, xôi chè Phú Thượng, bún ốc và bánh tôm hồ Tây... Cùng với đó là các mô hình du lịch độc đáo như Không gian văn hóa sáng tạo quận Tây Hồ, Thung lũng hoa hồ Tây, Vườn hoa bãi đá sông Hồng...

Gìn giữ, phát huy giá trị của “báu vật quốc gia” hồ Tây

Việc tháo gỡ các “điểm nghẽn” trên đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền trên địa bàn quận. Nhưng quan trọng nhất là cần có một chiến lược, quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch Tây Hồ và vùng lân cận được đặt trong quy hoạch tổng thể quy hoạch phát triển du lịch Thủ đô. Đây là điểm nhấn quan trọng nhằm tạo lập vị thế và sự phát triển bền vững cho Tây Hồ.

z5729889696516_8d4d61bf5d79da2286410778a8c00bde.jpg
Hồ Tây trong ngày hội đạp xe Hành trình xanh “Sắc sen Tây Hồ" diễn ra tháng 7-2024. Ảnh: Quang Thái

Trong quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, quận Tây Hồ sẽ là vùng không gian đô thị xanh, thông minh, bền vững; là trung tâm thương mại - du lịch - dịch vụ lớn và hấp dẫn của Thủ đô Hà Nội. Để hiện thực hóa chủ trương này, theo PGS.TS Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cần đẩy mạnh các trục động lực phát triển nhằm kết nối, tạo sức hút mạnh mẽ cho Tây Hồ. Đó là: Trục cảnh quan sông Hồng - trục chủ đạo xuyên giữa Thủ đô, trong đó Tây Hồ nằm chính giữa trục này; trục hồ Tây - Cổ Loa kết nối lịch sử quá khứ - hiện tại - tương lai; trục Nhật Tân - Nội Bài là trục động lực kinh tế phía Bắc sông Hồng; trục hồ Tây - Ba Vì là trục di sản văn hóa kết nối trung tâm nội đô với vùng văn hóa xứ Đoài...

Tăng cường kết nối là xu thế không thể đảo ngược hiện nay. Điều này càng có ý nghĩa hơn đối với việc hình thành, xây dựng các sản phẩm đặc sắc và hình thành các tour tuyến hấp dẫn để thu hút khách. Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, quận Tây Hồ cần đẩy mạnh kết nối với các điểm đến, doanh nghiệp lữ hành và cơ quan quản lý của các địa phương nhằm đa dạng sản phẩm du lịch; nâng tầm và phát triển sản phẩm, khu dịch vụ chất lượng cao. “Bên cạnh đó, Tây Hồ cần khai thác tối ưu không gian mặt nước hồ Tây gắn với việc bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế “xanh” và biến đây thành điểm đến ấn tượng với slogan “Lung linh hồ Tây” để khách du lịch trong và ngoài nước biết đến. Cần đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến để lan tỏa thương hiệu” - ông Tuấn nói.

Để giữ gìn và phát huy giá trị của “báu vật quốc gia” hồ Tây, Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng cho biết, thời gian tới, quận sẽ đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thu hút các nhà đầu tư du lịch. Song song với đó là công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị hồ Tây xứng tầm nhưng vẫn hài hòa để không tạo áp lực lên “báu vật” này. Đồng thời tạo không gian an toàn, thân thiện để người dân và du khách cảm nhận được nhịp sống bình yên cũng như chiều sâu văn hóa của vùng đất Tây Hồ, đưa nơi đây thực sự trở thành điểm đến xanh - văn hiến - hiện đại của Thủ đô.