Đổi thay nơi làng nghề Thụy Ứng
Cuộc sống hiện đại, đồ nhựa “lên ngôi” khiến nhiều người quên mất sự tồn tại của những chiếc lược sừng. Có lẽ vì thế mà trên khắp cả nước, chỉ duy nhất làng Thụy Ứng (xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội) là còn kiên tâm theo nghề làm lược sừng. Ghé thăm làng, tận mắt chứng kiến sức lao động bền bỉ của những người thợ nơi đây mới thấy, dưới bàn tay tài hoa, không có gì là không thể.
Chuyện thú vị nơi đất nghề
Đến Thụy Ứng vào một ngày đầu thu, từ xa đã nghe được âm thanh ồn ã vọng ra từ những cơ sở sản xuất, cùng với đó là hình ảnh những ngôi nhà khang trang, bề thế nằm san sát nhau. Có thể nhận thấy người Thụy Ứng đang được “hưởng lộc” từ nghề. “Yêu nghề thì nghề chẳng phụ”. Người Thụy Ứng, dù già hay trẻ khi nói về nghề, ai nấy đều thấy tự hào. Một bà cụ ngoài 70 tuổi bảo với tôi rằng “cái răng, cái tóc là góc con người”, người Thụy Ứng yêu và đeo bám nghề chế tác lược sừng cũng một phần vì làm đẹp cho đời.
Theo chỉ dẫn, tôi tìm đến nghệ nhân Nguyễn Văn Sử (sinh năm 1960), “bàn tay vàng” của làng nghề Thụy Ứng. Nghệ nhân Nguyễn Văn Sử là một trong số ít những người đầu tiên được UBND thành phố Hà Nội phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội” năm 2019. Hiện ông Sử là Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Chi hội trưởng Chi hội Làng nghề - Làng cổ - Làng văn hóa. Ông cũng là Giám đốc cơ sở sản xuất mỹ nghệ sừng Mười Sử có quy mô lớn nhất trong vùng.
Theo lời nghệ nhân Nguyễn Văn Sử, nghề làm lược sừng ở Thụy Ứng phát tích từ thế kỷ XVI. Vị thế của làng Thụy Ứng được khẳng định khi khu 36 phố phường có một con phố mang tên Hàng Lược. Đến nay, người Thụy Ứng vẫn tự hào vì trong sách sử có con phố lưu dấu hình ảnh của làng.
Để làm ra các sản phẩm mỹ nghệ từ sừng rất khó, bởi mỗi chiếc sừng đều khác nhau, không cái nào giống cái nào và người thợ phải tùy theo từng chiếc sừng mà hơ, ép, cắt, uốn..., sau khi có phôi mới có thể chế tác. Nghệ nhân Nguyễn Văn Sử chia sẻ với tôi, từ một người hoàn toàn không biết gì, muốn nắm vững những khâu đoạn, kỹ thuật trong nghề cũng phải học và rèn giũa ít nhất chục năm. Dĩ nhiên, đó chỉ dừng lại ở mức biết nghề, còn để sản xuất ra những sản phẩm tinh xảo thì cần sự học hỏi không ngừng. Ngay như ông Sử đến giờ vẫn phải mày mò tự nghiên cứu, sáng tạo. Đơn cử như khi chế tác bộ sản phẩm gỗ, sừng Khuê Văn Các - tác phẩm đoạt giải Nhất cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2023, ông Sử phải mất tới một năm để lên ý tưởng và nghiên cứu cách làm.
Làm nghề từ thuở lên 10 nên ông Sử có “biệt tài” nhìn sừng để phán đoán cân nặng, biết được đó là sừng của con đực hay cái. Ông bảo, tất cả là do mắt nhìn. Chẳng hạn, sừng trâu cái bao giờ cũng đặc hơn, dày và dẹt mình. Sừng trâu đực tròn vóc và có sóng gợn sâu hơn. Cũng nhờ khả năng ấy, chỉ cần nhìn vào nguyên liệu thô là trong đầu người nghệ nhân có thể phán đoán, ước lượng làm ra số lượng lược nhiều hay ít, hoặc cũng từ chất liệu đó sẽ chế tác thành sản phẩm gì, hình thù ra sao.
Đưa làng nghề vươn xa
Dù phát triển rực rỡ nhưng nghề chế tác lược sừng Thụy Ứng cũng có thời điểm rơi vào cảnh long đong. Thời kỳ kinh tế còn chưa mở cửa, Nhà nước cấm khai thác và mua sừng trâu, bò vì sợ ảnh hưởng tới sức kéo nông nghiệp. Để có nguyên liệu làm nghề, những người thợ như ông Sử phải đặt mua từ cánh thợ thu mua đồng nát. Sau đó là muôn vàn khâu đoạn chế tác trong âm thầm thì mới có thể làm ra những chiếc lược.
Từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, đời sống của người dân Thụy Ứng khởi sắc hơn. Thị trường trong và ngoài nước được mở rộng, làng nghề có điều kiện phát triển. Các sản phẩm của làng đã nhanh chóng tỏa sang thị trường các nước Đông Nam Á và Đông Âu. Không chỉ bó hẹp trong sản phẩm lược, đến nay, từ nguyên liệu sừng và móng sừng, người thợ Thụy Ứng đã sáng tạo nhiều mặt hàng mới phục vụ đời sống như thìa, ấm, chén, ống tăm, gạt tàn thuốc lá, đón gót giày, ống đũa... Đặt biệt, nhiều thợ khéo tay đã sáng tạo ra những mặt hàng mỹ nghệ bằng chất liệu sừng như châm cài tóc, hộp đựng đồ trang sức, đèn trang trí ở các nhà hàng, khách sạn, công sở...
Anh Nguyễn Văn Thuận, một người thợ lâu năm trong nghề chia sẻ, nếu như trước kia, các khâu đoạn ép sừng, mài giũa... được làm hoàn toàn thủ công thì nay, người thợ Thụy Ứng đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đại bộ phận người làm nghề trong làng đã chuyển sang dùng máy cưa để cắt sừng, dùng máy thủy lực để ép các đoạn sừng và móng sừng thành phôi, dùng máy cưa để tách phôi, dùng mô tơ điện để chà cho nhẵn chiếc lược, dùng máy cắt răng lược, sau đó đưa sang máy cắt tỉa răng và cuối cùng dùng mô tơ chuốt bóng...
Nghệ nhân Nguyễn Văn Sử nhìn làng nghề ngày một phát triển rực rỡ, cảm thấy vui và tự hào. Mà vui nhất là làng nghề vẫn có người kế cận. Ngay như trong gia đình ông Sử, hiện hai người con trai ông đã nối nghiệp và trở thành thế hệ thứ tư trong gia đình làm nghề. Người nghệ nhân già quả quyết, nhờ nghề mà thế hệ thanh niên trong làng chuyên chú làm ăn, không sa đà vào tệ nạn xã hội.
Nhắc đến những nét đẹp nơi đất nghề, ông Nguyễn Văn Chung - Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bình chia sẻ, xã có làng nghề truyền thống lược sừng Thụy Ứng và làng nghề mộc dân dụng Phụng Công. Với trên 4.000 nhân khẩu, Thụy Ứng có số lượng người làm nghề đông, có thời điểm tới gần 90% hộ làm nghề. Đáng mừng hơn cả, người dân Thụy Ứng không chỉ làm ra lược sừng mà giờ đã đa dạng hóa sản phẩm, hướng đến xuất khẩu, từ đó mang lại thu nhập cao cho người làm nghề. Địa phương cũng phấn đấu đưa điểm du lịch Làng nghề lược sừng Thụy Ứng trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Hà Nội, thu hút khách nội địa và khách quốc tế tương xứng với tiềm năng. Mục tiêu hết năm 2024, nơi đây sẽ đón 500 lượt khách du lịch quốc tế, 2.000 lượt khách du lịch nội địa...
Chuyến về làng lược sừng Thụy Ứng qua nhanh, khi rời làng, tôi vẫn nhớ ánh mắt chan chứa niềm vui của những người thợ nơi đất nghề. Nghề phát triển, những sản phẩm mỹ nghệ từ sừng nhỏ bé đã chinh phục được thị trường trong nước và thế giới, âu đó cũng là sự công nhận nét tài hoa của ông cha và của cả thế hệ người Thụy Ứng hôm nay.