Thể thao

Làm gì để lấy lại vị thế cho taekwondo?

Ngân Hà 18/08/2024 - 06:23

Là môn võ từng giành nhiều kỳ vọng tại các kỳ Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) và Thế vận hội (Olympic), nhưng việc không có vận động viên giành vé dự Olympic Paris 2024 (tổ chức tại Pháp) vừa qua khiến cho người hâm mộ taekwondo Việt Nam không khỏi hụt hẫng.

Đây là lúc để những nhà quản lý thể thao nước ta cùng nhìn nhận lại cách đầu tư, tìm giải pháp phù hợp để taekwondo Việt Nam lấy lại vị thế ở đấu trường quốc tế.

kara-tedo.jpg
Một buổi tập của vận động viên đội tuyển taekwondo quốc gia. Ảnh: Trọng Hiếu

Nhìn thẳng vào sự thật

Trái ngược với sự phát triển thần tốc của taekwondo Thái Lan, taekwondo Việt Nam tụt dốc kể từ sau tấm Huy chương bạc giành được bởi võ sĩ Trần Hiếu Ngân ở Olympic Sydney 2000 (Australia). Ở các kỳ Thế vận hội tiếp theo, taekwondo Việt Nam có 2 suất dự Olympic Athens 2004 (Hy Lạp), 3 suất dự Olympic Bắc Kinh 2008 (Trung Quốc), 2 suất dự Olympic London 2012 (Anh) và 1 suất dự Olympic Tokyo 2020 (Nhật Bản); còn ở 2 kỳ Olympic Rio 2016 (Brazil) và Olympic Paris 2024, taekwondo Việt Nam vắng mặt.

Lý giải về thành tích “thụt lùi” này, Phó Trưởng phòng Thể thao thành tích cao 1 (Cục Thể dục thể thao - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Vũ Xuân Thành cho hay, thời điểm năm 2000, trên thế giới mới chỉ có 89 quốc gia đầu tư môn taekwondo, nhưng hiện tại đã có tới hơn 200 quốc gia phát triển môn thể thao này. Bởi vậy, sự cạnh tranh của taekwondo trên đấu trường châu lục và thế giới vô cùng khốc liệt.

Phụ trách bộ môn taekwondo Cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Thu Trang cho biết, không thể phủ nhận thành tích của taekwondo Việt Nam trong thời gian qua chưa đạt như kỳ vọng, song các võ sĩ của Việt Nam đã nỗ lực hết sức mình tại các sân chơi này. Tại kỳ ASIAD 19 (năm 2023), đội tuyển taekwondo Việt Nam giành 3 Huy chương đồng; còn tại Giải Taekwondo vô địch châu Á 2024 diễn ra hồi tháng 5-2024 tại Đà Nẵng, võ sĩ Bạc Thị Khiêm cũng giành Huy chương vàng nội dung đối kháng và Trương Thị Kim Tuyền giành Huy chương đồng.

Còn tại giải vòng loại Olympic môn taekwondo khu vực châu Á 2024 (diễn ra hồi tháng 3-2024) tại Kyrgyzstan, đội tuyển taekwondo Việt Nam tham dự với 4 võ sĩ là Trương Thị Kim Tuyền (49kg nữ), Bạc Thị Khiêm (67kg nữ), Lý Hồng Phúc (68kg nam) và Nguyễn Hồng Trọng (58kg nam). Theo quy định, mỗi quốc gia đăng ký 4 vận động viên (2 nam, 2 nữ) và tại mỗi hạng cân, 2 tuyển thủ lọt vào chung kết là có vé chính thức dự Olympic Paris 2024. Đáng tiếc, các võ sĩ Việt Nam đã không làm được điều này.

Cần đầu tư mạnh và có trọng điểm

Theo Chủ tịch Liên đoàn Taekwondo Việt Nam Trương Ngọc Để, trong khi taekwondo Thái Lan, Philippines, thậm chí là Campuchia, được đầu tư lớn và có tiến bộ vượt bậc thì đầu tư cho taekwondo Việt Nam ngày một giảm. Taekwondo từ môn được đầu tư trọng điểm ở nhóm 1 đã bị đẩy xuống nhóm 2. Kinh phí đầu tư cho taekwondo Việt Nam hiện vẫn đang dựa vào Tập đoàn CJ theo hình thức tài trợ chuyên gia Hàn Quốc và đi tập huấn nước ngoài. Nếu vẫn giữ cách đầu tư này, taekwondo Việt Nam sẽ khó có vận động viên đủ trình độ dự Olympic.

Chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh cho rằng, thành công của các nền taekwondo đến từ quá trình đầu tư mũi nhọn. Đơn cử như Thái Lan, kể từ năm 2002, taekwondo Thái Lan đã mời chuyên gia người Hàn Quốc Choi Young-seok đến dẫn dắt, đồng thời đề ra định hướng phát triển taekwondo trên toàn quốc, từ đó họ chọn lọc ra tài năng tiêu biểu gửi đi tập huấn, thi đấu quốc tế. Và thành tích rõ nét nhất là nhà vô địch Olympic Panipak Wongpattanakit. Tài năng này đã mang về cho taekwondo Thái Lan 1 Huy chương đồng Olympic (2016), 2 Huy chương vàng Olympic (2020, 2024) và vô số Huy chương vàng châu Á, thế giới.

Theo Phó Trưởng phòng Thể thao thành tích cao 1 (Cục Thể dục thể thao) Vũ Xuân Thành, mỗi năm, taekwondo Việt Nam chỉ nhận được khoảng 2,5 tỷ đồng dành cho các hoạt động tập huấn và thi đấu quốc tế, trong khi con số này với taekwondo Thái Lan là 65 tỷ đồng. Với mức đầu tư này, taekwondo Việt Nam chỉ có thể đi tập huấn và thi đấu quốc tế khoảng 2-3 lần/năm. Vì vậy, để taekwondo Việt Nam phát triển ổn định và có thể giành huy chương tại Olympic, vẫn cần sự chung tay của toàn xã hội.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Hồng Minh cho hay, thời gian tới, Cục Thể dục thể thao và Liên đoàn Taekwondo Việt Nam sẽ bàn về giải pháp chuyên môn cho taekwondo Việt Nam, qua đó tìm ra điểm yếu để cùng khắc phục, đưa thành tích taekwondo Việt Nam tiến bộ hơn tại đấu trường quốc tế. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác xã hội hóa và nâng cấp chất lượng chuyên môn hệ thống các giải taekwondo trên toàn quốc; phát hiện thêm nhiều võ sĩ trẻ tài năng, đưa đi tập huấn, thi đấu tại các sân chơi quốc tế giúp nâng cao trình độ. Từ đó mới mong những vận động viên này hoàn thiện chuyên môn, vươn tầm tranh tài ở sân chơi Đại hội Thể thao châu Á và Thế vận hội.

Hy vọng, các nhà quản lý thể thao sẽ đoàn kết, nhất quán để có những giải pháp hữu hiệu đưa taekwondo Việt Nam trở lại vị thế là một trong những môn từng đứng nhóm đầu của thể thao Việt Nam.