Chính trị

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Vùng đồng bằng sông Hồng thực hiện 5 tiên phong

Hà Vũ 17/08/2024 13:20

Sáng 17-8, tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, chủ trì Hội nghị lần thứ tư Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các địa phương trong Vùng cùng thực hiện 5 tiên phong.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư
Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố thuộc vùng.

1(4).jpg
Các đồng chí lãnh đạo Chính phủ và Hà Nội chủ trì hội nghị. Ảnh: Viết Thành

Đại biểu thành phố Hà Nội dự hội nghị còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn...

3(2).jpg
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại Hội nghị. Ảnh: Viết Thành

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao kết quả thực hiện kế hoạch của Hội đồng điều phối cũng như các nhiệm vụ chính trị của từng địa phương trong Vùng đồng bằng sông Hồng.

Trong 7 tháng năm 2024, kinh tế - xã hội Vùng đồng bằng sông Hồng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, khẳng định vai trò là vùng động lực, định hướng, dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng đạt 7,21%, cao hơn bình quân chung của cả nước (6,42%), đứng thứ 3/6 vùng kinh tế của cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 521 nghìn tỷ đồng, cao nhất và chiếm 41% tổng thu cả nước. Giá trị xuất khẩu đạt trên 80 tỷ USD, đứng đầu cả nước, chiếm 35% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước (227,7 tỷ USD). Vùng có 29,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, chiếm 31% cả nước, tăng 3,39% so với cùng kỳ; 14,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, chiếm 32% cả nước, tăng 6,87% so với cùng kỳ... Các bộ, ngành, địa phương cũng đã cơ bản hoàn thành 8/8 nhiệm vụ quan trọng theo chỉ đạo của Hội đồng.

7(1).jpg
Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Viết Thành

Tuy nhiên, Thủ tướng đã tập trung chỉ rõ những hạn chế, bất cập còn tồn tại đòi hỏi phải tiếp tục tập trung khắc phục trong thời gian tới, như: Chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; khả năng chống chịu, ứng phó trước các yếu tố tiêu cực từ bên ngoài chưa cao. Khoa học công nghệ chưa thực sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, chưa hình thành được nhiều doanh nghiệp lớn làm chủ công nghệ ở các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, sản xuất chíp bán dẫn. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Các nội dung liên kết vùng quan trọng như liên kết trong hạ tầng giao thông liên vùng và khu vực, nhất là đường sắt, liên kết đầu tư phát triển, khả năng kết nối, tích hợp kinh tế tỉnh này với tỉnh kia, đô thị và nông thôn, chuỗi giá trị toàn cầu, chuỗi giá trị quốc gia còn hạn chế.

Chỉ đạo các nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hội đồng và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt triển khai thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong khi điều hành phải linh hoạt, hiệu quả trên cơ sở thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm “thước đo”.

Thủ tướng đề nghị các địa phương rà soát lại các mục tiêu của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các mục tiêu của đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra, xem mục tiêu nào đã hoàn thành, sẽ hoàn thành và mục tiêu nào khó hoàn thành để có giải pháp tập trung cho nhiệm vụ khó hoàn thành, tổ chức thực hiện với quyết tâm rất cao, hành động quyết liệt, xác định trọng tâm, trọng điểm, phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”. Từng địa phương phải xác định lấy con người là trung tâm, động lực cho phát triển để triển khai quy hoạch phát triển vùng, đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đặc biệt phải quan tâm đến 2 nội dung lớn đó là trong bất luận trường hợp nào phải bảo đảm lương thực cho người dân với giá cả ổn định và đáp ứng đủ năng lượng để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.

Đồng thời, phải huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực kết hợp hài hòa giữa các nguồn lực, phân bổ sử dụng, quản lý thật tốt. Phát triển kinh tế theo chiều sâu, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm; các ngành mới như sản xuất chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây...

Cũng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, triển khai hoạt động của Hội đồng Vùng đồng bằng sông Hồng cần bám sát vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ; đặc biệt quá trình triển khai phải năng động, sáng tạo; tổ chức thực hiện hiệu quả thực chất, không hình thức, không hành chính, đã nói làm, đã cam kết là thực hiện. Cơ quan Thường trực của Hội đồng và Văn phòng Chính phủ theo dõi sát các cơ quan liên quan trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm đúng tiến độ, không để chậm, làm việc nào dứt điểm việc đó, không kéo dài sang năm 2025. Trường hợp không làm được phải báo cáo cấp có thẩm quyền lý do và giải pháp tháo gỡ. Hội đồng phải đổi mới tư duy điều phối Vùng theo tinh thần: Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân; chính sách phải thông thoáng, hạ tầng phải thông suốt, quản trị phải thông minh.

o98.jpg
Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Viết Thành

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương Vùng đồng bằng sông Hồng cùng thực hiện 5 tiên phong:

Thứ nhất là tiên phong trong đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ và thành quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ và kinh tế ban đêm.

Thứ hai là tiên phong cải cách hành chính, phân cấp phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra giám sát.

Thứ ba là tiên phong trong việc lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; cắt giảm các thủ tục rườm rà, phiền phức; đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 của Chính phủ.

Thứ tư là tiên phong huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư phát triển, nhất là hợp tác công tư để phát triển Vùng nhanh và bền vững.

Thứ năm là tiên phong trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, tiến bộ và công bằng xã hội, trong bảo vệ môi trường, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội, không hy sinh an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần; nhưng cũng không để ai bị bỏ lại phía sau.