Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội
Sáng 17-8, tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tình hình, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đại biểu trung ương tham gia buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Cùng dự có lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương...
Đại biểu thành phố Hà Nội dự buổi làm việc có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã...
Duy trì tăng trưởng, chủ động đổi mới, sáng tạo
Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, thời gian qua, cùng với việc triển khai các nhiệm vụ thường xuyên, thành phố đã tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược, trong đó có 3 nội dung quan trọng là: Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ bảy; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được Bộ Chính trị, Quốc hội cho ý kiến, hiện nay đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Từ đầu năm đến nay, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng, các cân đối lớn được đảm bảo, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. GRDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6%, bình quân 3 năm 2021-2023 tăng 6,04% - cao hơn khoảng 1,16 lần mức tăng của cả nước.
Tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng năm 2024 đạt gần 324 nghìn tỷ đồng, bằng 79,2% dự toán; tổng chi ngân sách gần 53 nghìn tỷ đồng, đạt 36% dự toán, trong đó, chi đầu tư phát triển hơn 23 nghìn tỷ đồng, đạt 28,7% dự toán.
Lũy kế giải ngân kế hoạch đầu tư công đến hết tháng 7-2024 đạt hơn 23 nghìn tỷ đồng, bằng 28,7% kế hoạch, cao hơn lũy kế giải ngân cùng kỳ năm 2023 (18,1 nghìn tỷ đồng), đứng thứ 2 về khối lượng so với các bộ, ngành và địa phương.
Sự chuyển dịch tích cực trong cơ cấu ngành kinh tế là điểm sáng nổi bật. Hoạt động sản xuất, kinh doanh duy trì ổn định, với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,2%. Thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 475 nghìn tỷ đồng, tăng 10%; khách du lịch đạt khoảng 3,5 triệu lượt, tăng 33,2%). Thu hút FDI đạt hơn 1,37 tỷ USD, dự kiến cả năm đạt 3,13 tỷ USD.
Triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, thành phố đã đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số; một số hệ thống thông tin, ứng dụng phục vụ công dân, doanh nghiệp đang được triển khai thử nghiệm nhằm xây dựng thành phố thông minh, hiện đại, như: Ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi); triển khai ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư (hồ sơ sức khỏe điện tử, cấp lý lịch tư pháp…); ứng dụng “Thẻ vé giao thông Hà Nội” sử dụng thẻ QR động…
Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị chuyển biến tích cực theo hướng thông minh, xanh và bền vững. Hà Nội đã chủ động triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, trong đó, Hà Nội được giao chỉ tiêu 56.200 căn giai đoạn 2021-2030.
Hoàn thành sớm mục tiêu xây dựng nông thôn mới, cơ bản không còn hộ nghèo
Về thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó, đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới, thành phố đã về đích trước 2 năm so với kế hoạch. Đến nay, 100% số huyện, xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ngân sách thành phố đã hỗ trợ thực hiện chương trình gần 2.700 tỷ đồng; cơ bản hoàn thành 32/35 chỉ tiêu theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, còn 3/35 chỉ tiêu đang tiếp tục thực hiện.
Đối với Chương trình giảm nghèo bền vững, thành phố đã bố trí kế hoạch vốn gần 1.600 tỷ đồng; thực hiện hiệu quả các chính sách đặc thù, giải pháp giảm nghèo, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố đã giảm xuống còn 0,03%; cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố.
Để hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2024 và cả nhiệm kỳ, thành phố Hà Nội xác định tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành với tinh thần “5 rõ trong phân công thực hiện” (rõ việc - rõ người - rõ trách nhiệm - rõ quy trình - rõ kết quả cuối cùng) và “3 rõ trong kiểm tra, giám sát” (rõ thẩm quyền và trách nhiệm - rõ quy trình, tiến độ và kết quả - rõ kết quả kiểm tra xử lý) gắn với việc quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với tinh thần “năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”.
Thành phố Hà Nội sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển Thủ đô, trước hết là khẩn trương tổ chức thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi), xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù về tổ chức chính quyền đô thị, về phân cấp, ủy quyền, về tuyển dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức; về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…
Đồng thời, thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt); khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất đai...
Thành phố thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng số theo hướng đô thị thông minh; hoàn thành các công trình hạ tầng giao thông kết nối quan trọng như hệ thống đường sắt đô thị; dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, các cầu vượt sông, các nút giao thông cửa ngõ… Hoàn thành hạ tầng thông tin, hạ tầng số, bảo đảm kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu trong chỉ đạo, điều hành; đưa vào vận hành chính thức: Trung tâm dữ liệu lớn; Hệ thống giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng… từng bước cung cấp một số dịch vụ đô thị thông minh phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Kiến nghị tháo gỡ nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách
Tại cuộc làm việc, thành phố Hà Nội nêu một số đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, như xem xét, sớm phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 để tạo không gian phát triển mới cho Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị; có các cơ chế, chính sách đặc thù, thực hiện hiệu quả việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, cơ sở giáo dục đại học, bệnh viện theo quy hoạch ra khỏi khu vực nội đô...
Thành phố cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, hỗ trợ, tháo gỡ một số dự án đường sắt đô thị, dự án giao thông, quy hoạch, nhà ở, xử lý vướng mắc cho các dự án chậm triển khai và một số vấn đề cụ thể khác nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội về mọi mặt.
“Thành phố Hà Nội cam kết tiếp tục nỗ lực cao nhất để hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm và hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương, để cùng chung tay xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại," xứng tầm với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước”, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh nêu rõ.
Hà Nội tăng trưởng nhanh, mạnh, có sự bứt phá
Phát biểu thảo luận, lãnh đạo các bộ, ngành: Tài chính, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước... đều đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô thời gian qua, đặc biệt là Hà Nội đã trở thành cực tăng trưởng nhanh, mạnh, có sự bứt phá rất lớn trong thời gian qua.
Đối với các kiến nghị của thành phố, lãnh đạo các bộ, ngành đều nhất trí cao, khẳng định đang báo cáo tham mưu đề xuất giải quyết các vướng mắc chung về cơ chế, chính sách liên quan đến đấu thầu, việc triển khai thi hành Luật Đất đai, công tác quy hoạch... Khi các cơ chế, chính sách này được thông qua thì những vướng mắc của Hà Nội cũng được tháo gỡ.
Lãnh đạo các bộ, ngành cũng khẳng định sẽ đồng hành, hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với thành phố Hà Nội để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, cùng Hà Nội thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư các dự án công trình, triển khai các dự án giao thông, dự án bảo tồn, phát huy di sản, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của văn hóa gắn với phát triển du lịch...
Ấn tượng về sự đoàn kết thống nhất
Kết luận tại cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng đồng chí Bùi Thị Minh Hoài được Bộ Chính trị tin tưởng phân công giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội. Đây vừa là vinh dự lớn, vừa là trách nhiệm nặng nề. Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, với sự giúp đỡ, hỗ trợ của tập thể lãnh đạo thành phố, sự phối hợp của các bộ, ngành Trung ương, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài chắc chắn sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Thủ tướng Chính phủ nêu 10 ấn tượng cũng là 10 điểm sáng của thành phố Hà Nội thời gian qua, lưu ý 6 hạn chế còn tồn tại; đồng thời chỉ đạo 5 nhiệm vụ trọng tâm, 10 nhiệm vụ cụ thể yêu cầu Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tập trung chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ ấn tượng về sự đoàn kết thống nhất của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội, thực sự theo đúng tinh thần chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt” đạt được nhiều thành tích quan trọng.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao, biểu dương nỗ lực của các đồng chí lãnh đạo, cấp ủy Đảng, chính quyền, quân và dân Thủ đô đã nỗ lực phấn đấu đạt những thành tựu quan trọng, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của cả nước.
Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ, GRDP 6 tháng đầu năm của Hà Nội thấp hơn mức tăng chung của cả nước; huy động nguồn lực xã hội chưa tương xứng; ô nhiễm môi trường (không khí, nước…), ùn tắc giao thông còn phức tạp; tỷ trọng kinh tế số còn thấp; xếp hạng chỉ số PCI còn thấp...
Nhấn mạnh bối cảnh chung còn nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới, đặc biệt là yêu cầu, nhiệm vụ chính trị đặt ra đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, Thủ tướng lưu ý Hà Nội phải có quan điểm, nhận thức thực sự sát tình hình, có nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện hiệu quả hơn; triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, nhất là xây dựng Hà Nội trở thành Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Hà Nội phải tiên phong trong đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội rà soát lại các mục tiêu của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đại hội đảng bộ các cấp thành phố Hà Nội, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, 10 năm, chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, từ đó xác định những gì đã làm được rồi thì phấn đấu tốt hơn, những gì chưa làm được phải phấn đấu nhiều hơn, những gì khó thực hiện thì phải có giải pháp đột phá. Trên cơ sở đó, những mục tiêu chưa đạt, mục tiêu cần phải đột phá thì cần phải thể hiện với quyết tâm cao, sự đoàn kết thống nhất, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; phân công thực hiện “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm” để đạt kết quả cao nhất.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là quan tâm hoàn thành đường Vành đai 4 và các công trình trọng điểm. “Vừa qua, Hà Nội đã làm tốt, cần làm tốt hơn nữa, phấn đấu giải ngân đầu tư công đạt 100% vào cuối năm; trong đó các cấp ủy, chính quyền phải vào cuộc quyết liệt trong giải phóng mặt bằng”, Thủ tướng nêu rõ.
Hà Nội phải tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; đồng thời đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm. Hà Nội phải tiên phong trong đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, ứng dụng thành quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng Thủ đô thông minh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) (phấn đấu vào tốp 5, ít nhất phải vào tốp 10 của cả nước), đặc biệt coi trọng chỉ số hài lòng của người dân.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Thủ tướng lưu ý Hà Nội không được để thiếu thuốc, thiếu bác sĩ, bảo đảm cơ sở vật chất, giáo viên cho năm học mới, không để tăng giá trong lĩnh vực giáo dục; làm tốt công tác tăng lương; bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng và sản xuất; rà soát các nhiệm vụ văn hóa, thể thao, tập trung nâng tầm văn hóa Thủ đô ngang tầm Thủ đô nghìn năm văn hiến, biến di sản thành tài sản; đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, giải trí, tổ chức tốt kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, tạo động lực, truyền cảm hứng cho người dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh, an toàn, an dân; làm cho du khách đến Hà Nội cảm thấy yên tâm, cảm thấy rõ Hà Nội thực sự là Thủ đô của lương tri, Thành phố Vì hòa bình.
Về các đề xuất của thành phố Hà Nội, Thủ tướng cơ bản nhất trí, đề nghị Hà Nội đáp ứng các yêu cầu của các bộ, ngành, cần cụ thể hóa Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều điểm mới, cơ chế, chính sách. Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ tập hợp, báo cáo các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách các lĩnh vực phân công cho các bộ, ngành phụ trách với tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”.
Tiếp tục phát huy và đóng góp nhiều hơn nữa với vai trò, vị thế của Thủ đô
Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy tiếp thu ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô nhận thức sâu sắc rằng, những kết quả đạt được trong thời gian qua, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô, Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội, sự giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương. Đồng chí Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã thường xuyên dành tình cảm, sự quan tâm đặc biệt đối với Thủ đô, đặc biệt là trong chỉ đạo xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và đối ngoại; cũng như trong triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương về Hà Nội.
Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ bám sát các nghị quyết, chỉ thị, các chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc làm việc hôm nay để triển khai xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể hóa, tiếp tục triển khai có hiệu quả, hoàn thành và hoàn thành xuất sắc mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố đề ra, tiếp tục phát huy và đóng góp nhiều hơn nữa với vai trò, vị thế của Thủ đô - trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước, xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, thành phố kết nối toàn cầu, qua đó góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng như sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng thịnh vượng, phát triển.