Tham vọng của bà Kamala Harris về nền kinh tế cơ hội
Với các đề xuất như ưu đãi thuế, nhà ở giá rẻ…, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris theo đuổi kế hoạch xây dựng một nền kinh tế cơ hội.
Trong bài phát biểu đầu tiên tập trung vào vấn đề kinh tế với tư cách là ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ tại cuộc vận động bầu cử ở bang Bắc Carolina, Phó Tổng thống Kamala Harris đã phác thảo một loạt đề xuất liên quan đến nền kinh tế cơ hội mà bà dự định theo đuổi nếu giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay.
Kế hoạch kể trên bao gồm lệnh cấm liên bang về tăng giá thực phẩm và hàng tạp hóa nhằm mục đích ngăn chặn các tập đoàn lớn bóc lột người tiêu dùng trong khi vẫn tạo ra lợi nhuận lớn.
Các quan chức chiến dịch tranh cử cho biết, với tư cách là Tổng thống, bà Kamala Harris sẽ chỉ đạo Ủy ban Thương mại liên bang áp dụng “hình phạt nghiêm khắc” đối với những công ty vi phạm các giới hạn mới về tình trạng tăng giá bất hợp lý.
Phó Tổng thống Kamala Harris cam kết khoản tín dụng thuế trẻ em mới lên tới 6.000 USD dành cho các gia đình có trẻ sơ sinh, cắt giảm thuế đối với những gia đình có trẻ nhỏ và giảm chi phí thuốc theo toa; đồng thời kêu gọi xây dựng thêm 3 triệu đơn vị nhà ở mới trong vòng 4 năm, áp dụng ưu đãi thuế đối với đơn vị xây dựng nhà ở cho người mua nhà lần đầu, đặt mục tiêu mở rộng hỗ trợ tiền thuê nhà, cấm việc ấn định giá thuê nhà và ngăn chặn việc mua nhà số lượng lớn.
Ở lĩnh vực y tế, bà Kamala Harris đang nỗ lực thúc đẩy giảm chi phí chăm sóc sức khỏe và xóa nợ y tế. Phó Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh cách chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đàm phán để giảm đến 79% giá của 10 loại thuốc theo toa được sử dụng nhiều nhất theo chương trình bảo hiểm Medicare.
Phó Tổng thống Kamala Harris cũng tuyên bố sẽ tập trung vào tầng lớp trung lưu nếu trở thành Tổng thống Mỹ.
“Cùng nhau, chúng ta sẽ xây dựng cái mà tôi gọi là nền kinh tế cơ hội. Tầng lớp trung lưu sẽ là mục tiêu quyết định trong nhiệm kỳ Tổng thống vì tôi tin tưởng rằng, khi tầng lớp trung lưu mạnh, nước Mỹ sẽ mạnh”, bà Kamala Harris nêu rõ.
Tuy nhiên, kế hoạch của Phó Tổng thống Kamala Harris có thể gặp phải sự phản đối từ cả các tập đoàn và Quốc hội khi một số đề xuất tương tự của Tổng thống Joe Biden từng bị bác bỏ. Nhìn chung, những ý tưởng kinh tế tiến bộ của bà Kamala Harris được cử tri ủng hộ nhưng vẫn khó trở thành luật do cần phải bảo đảm được sự ủng hộ từ Quốc hội.
Theo Reuters, Phó Tổng thống Kamala Harris đang nỗ lực tạo ra sự tương phản với cựu Tổng thống Donald Trump về các giá trị kinh tế nói chung, cụ thể là thuế quan và thuế. Bà Harris phản đối đề xuất của ứng viên đảng Cộng hòa về mức thuế mới áp dụng cho hàng nhập khẩu.
“Ông ấy muốn áp đặt thứ thực chất là thuế bán hàng quốc gia đối với các sản phẩm hằng ngày và nhu yếu phẩm cơ bản mà chúng ta nhập khẩu từ các quốc gia khác. Điều này sẽ tàn phá người Mỹ”, Phó Tổng thống Kamala Harris tuyên bố.
Theo quan điểm của nữ chính trị gia 59 tuổi, ý tưởng kể trên sẽ khiến giá cả tăng cao hơn đối với hầu hết nhu cầu hằng ngày khi các mặt hàng thiết yếu như xăng, thực phẩm, quần áo và thuốc không kê đơn đều sẽ bị đánh thuế.
Ở diễn biến liên quan, các cố vấn kinh tế của cựu Tổng thống Donald Trump lập luận, những đề xuất của bà Kamala Harris sẽ thúc đẩy lạm phát và gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ. Cụ thể hơn, đề xuất hỗ trợ 25.000 USD cho những người mua nhà lần đầu sẽ không thực sự có tác dụng ngoài việc thúc đẩy giá nhà. Đảng Cộng hòa cũng chỉ trích Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris vì những chính sách khiến giá cả và lạm phát tăng.
Ủy ban Ngân sách liên bang có trách nhiệm (CRFB) ước tính, kế hoạch kinh tế của bà Kamala Harris sẽ khiến thâm hụt ròng tăng thêm 1.700 tỷ USD trong 1 thập kỷ và có thể lên đến 2.000 tỷ USD nếu các chính sách nhà ở tạm thời được áp dụng lâu dài.