Phương Tây có thể trừng phạt Nga trong nhiều thập kỷ
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nga nhận định, các lệnh trừng phạt kinh tế phương Tây áp đặt lên Nga sẽ vẫn có hiệu lực trong nhiều thập kỷ ngay cả khi có một giải pháp hòa bình cho xung đột Ukraine.
Nga đã trở thành quốc gia bị phương Tây trừng phạt nhiều nhất sau khi xung đột Ukraine bùng phát hồi tháng 2-2022. Bất chấp áp lực lớn, nền kinh tế quốc gia này vẫn đạt mức tăng trưởng 4,7% trong giai đoạn nửa đầu năm 2024.
Ông Dmitry Birichevsky, Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế thuộc Bộ Ngoại giao Nga nhận định, các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào nền kinh tế quốc gia này sẽ kéo dài nhiều thập kỷ, kể cả khi có một giải pháp hòa bình đối với xung đột Ukraine.
“Các lệnh trừng phạt đầu tiên được đưa ra sớm hơn nhiều. Mục tiêu cuối cùng của họ là cạnh tranh không lành mạnh”, ông Dmitry Birichevsky phát biểu tại một hội thảo của Câu lạc bộ Thảo luận Valdai, diễn ra ở Mátxcơva ngày 16-8 (giờ địa phương).
Hội thảo về các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga là một phần của cuộc tranh luận lớn hơn trong giới chính trị và kinh doanh Nga về việc liệu Mátxcơva có nên nỗ lực để các lệnh trừng phạt được nới lỏng, hay chấp nhận chúng như một thực tế lâu dài và tìm kiếm những biện pháp thích nghi.
Theo Reuters, Tổng thống Nga Putin từng khẳng định, việc phương Tây dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt áp đặt lên quốc gia này sẽ là một trong những điều kiện để đạt được hòa bình.
Dù vậy, ông Dmitry Birichevsky cho rằng, các biện pháp trừng phạt cũng mang lại một số lợi ích, buộc Nga phải tái cấu trúc nền kinh tế và sản xuất nhiều hàng hóa có giá trị gia tăng hơn, thay vì phải nhập khẩu những mặt hàng này từ phương Tây như trước đây.
Quan chức này cũng cảnh báo, “vòng xoáy trừng phạt” sẽ tiếp tục gây thêm khó khăn khi phương Tây nhắm mục tiêu vào những lĩnh vực chưa bị ảnh hưởng, gây sức ép lên các đối tác thương mại của Nga và đe dọa ngăn họ tiếp cận thị trường phương Tây nếu hợp tác với quốc gia này.
Theo TASS, Nga đang liên lạc chặt chẽ với các quốc gia chịu trừng phạt như Iran, Triều Tiên và Venezuela để học hỏi kinh nghiệm trong đấu tranh với các hạn chế đơn phương và nhằm mục đích tạo ra một liên minh chống trừng phạt quốc tế để chung tay ứng phó với áp lực từ phương Tây.
“Về liên minh chống trừng phạt, chúng tôi đối thoại chặt chẽ với các quốc gia đó, hợp tác thông qua các ủy ban liên chính phủ và giữa các công ty. Chúng tôi cũng sử dụng kinh nghiệm của họ trong việc đấu tranh với những hạn chế”, ông Dmitry Birichevsky nêu rõ.