Thúc tiến độ xây dựng nhà ở xã hội: Bám sát thực tế, kịp thời gỡ khó
Nhà ở xã hội có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp đỡ các gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt là công nhân, lao động tại khu công nghiệp có được một căn nhà để an cư, lạc nghiệp.
Do vậy, cùng với cả nước, thành phố Hà Nội đã, đang vào cuộc quyết liệt thúc đẩy tiến độ các dự án nhà ở xã hội, nhất là những dự án nhà ở xã hội tập trung...
Áp lực lớn về tiến độ
Thông tin về tiến độ thực hiện dự án nhà ở xã hội, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Hoàng Hải cho biết, từ năm 2021 đến hết quý II-2024, cả nước có 619 dự án nhà ở xã hội được triển khai, với quy mô 561.816 căn. Trong đó có 79 dự án, với quy mô 40.679 căn đã hoàn thành; 128 dự án với quy mô 111.688 căn đã khởi công xây dựng; 412 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, cả nước có 8 dự án nhà ở xã hội hoàn thành với quy mô 3.136 căn. Ngoài ra có 5 dự án đã cấp phép, khởi công xây dựng, với quy mô 8.468 căn; 9 dự án đã có chủ trương đầu tư, với quy mô 8.795 căn...
Năm 2024, theo Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, cả nước phấn đấu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội. Hoàn thành được mục tiêu này đi kèm áp lực tiến độ lớn, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, ngành và địa phương.
Về tình hình triển khai các dự án trên địa bàn thành phố Hà Nội, Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) Bùi Tiến Thành thông tin, thành phố hiện có 56 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội triển khai trong giai đoạn 2021-2025 và sau 2025, dự kiến khi hoàn thành sẽ cung cấp khoảng 3 triệu mét vuông sàn.
“Một số dự án nối tiếp có thể hoàn thành trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 như dự án nhà ở xã hội CT-05 và CT-06, Khu đô thị mới Thanh Lâm, Đại Thịnh 2 (huyện Mê Linh); dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn (quận Nam Từ Liêm); dự án khu nhà ở đô thị Kim Hoa (huyện Mê Linh)... Ngoài ra, một số dự án khác nếu được đẩy nhanh tiến độ vẫn có thể hoàn thành trong giai đoạn này”, ông Bùi Tiến Thành cho biết.
Về tiến độ triển khai 5 dự án khu nhà ở xã hội tập trung tại các huyện: Gia Lâm (1 dự án), Thanh Trì (1 dự án) và Đông Anh (3 dự án), đến nay, Sở Xây dựng Hà Nội đã hoàn thành hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư 4/5 dự án. Trên cơ sở chủ trương đầu tư được phê duyệt, thành phố sẽ đấu thầu, lựa chọn chủ đầu tư dự án. 5 khu này có tổng quỹ đất gần 300ha, khi hoàn thành dự kiến cung cấp khoảng 1,2 triệu mét vuông sàn nhà ở và chủ yếu hoàn thành sau năm 2025.
Nhiều giải pháp quyết liệt, cụ thể
Trước áp lực về tiến độ, Bộ Xây dựng đã đề nghị từng địa phương có cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính, lập phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp triển khai dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng nguồn vốn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.
Với trách nhiệm của thành phố lớn, nhu cầu nhà ở xã hội cao, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã liên tục rà soát tiến độ, đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thực hiện dự án và thúc tiến độ với các sở, ngành chức năng, bảo đảm đạt các mục tiêu đề ra.
Thẳng thắn chỉ ra việc triển khai 5 dự án nhà ở xã hội tập trung đang chậm tiến độ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương của thành phố phải cam kết đến ngày 1-10-2024 có thể khởi công ít nhất một dự án và phải bảo đảm chất lượng lâu dài.
Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã có những quy định riêng về phát triển nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng. Theo Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Bá Nguyên, cùng với việc phân cấp, phân quyền, những điều khoản riêng về nhà ở xã hội trong Luật Thủ đô (sửa đổi) và những chính sách mới được quy định tại Luật Nhà ở 2023, nhiều bất cập sẽ được khắc phục, tạo cơ chế vượt trội, thu hút đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Phân tích nguyên nhân khiến việc triển khai các dự án gặp khó khăn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Đỗ Viết Chiến cho rằng, mặc dù việc phát triển dự án nhà ở xã hội đang được tạo nhiều điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, nguồn vốn...; hệ thống cơ sở pháp lý vừa có hiệu lực đã tháo gỡ nhiều “điểm nghẽn”, nhưng trên thực tế các doanh nghiệp thực hiện dự án nhà ở xã hội còn gặp nhiều vướng mắc về tiếp cận đất đai, thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, tiếp cận nguồn vốn từ gói vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng…
Để tháo gỡ những khó khăn được chỉ ra này, theo ông Đỗ Viết Chiến, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội. Tại Hà Nội, để giải quyết khó khăn về bố trí quỹ đất, thành phố cần rà soát quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại để xây dựng nhà ở xã hội, làm việc với chủ đầu tư cùng giải quyết các dự án nhà thương mại tồn đọng, nếu có thể cho điều chỉnh cơ cấu căn hộ và chuyển đổi sang nhà ở xã hội.
Đặc biệt, Hà Nội cũng như các địa phương khác cần sớm hình thành quỹ đầu tư nhà ở xã hội nhằm giải quyết nguồn vốn, từ đó hình thành quỹ nhà, giải bài toán mất cân đối cung - cầu, giúp bình ổn thị trường, tiếp tục phát triển loại hình nhà ở này.