Tài chính

Kích cầu vay tiêu dùng để "rã băng" tín dụng

Hà Linh 17/08/2024 - 07:07

Trước mùa mua sắm, tiêu dùng, theo thông lệ sẽ tăng mạnh vào cuối năm, hàng loạt ngân hàng đã sẵn sàng thực hiện các chương trình kích cầu cho vay tiêu dùng, "rã băng" tín dụng.

Các chuyên gia tài chính nhận định, với động thái này của các ngân hàng, thị trường tài chính tiêu dùng khởi sắc, nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong những tháng còn lại của năm 2024.

khach-hang-giao-dich-tai-ngan-hang-thuong-mai-co-phan-tien-phong.-anh-nguyen-quang.jpg
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong. Ảnh : Nguyễn Quang

Nới lỏng nhiều điều kiện cho vay

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn, tín dụng tiêu dùng đã trải qua năm 2023 đầy thử thách, dư nợ cho vay tiêu dùng chỉ tăng gần 11%. Bước sang các tháng đầu năm 2024, diễn biến khả quan hơn. Tính đến cuối tháng 7-2024, dư nợ tín dụng tiêu dùng tăng trưởng gần 5,7% so với cuối năm 2023, đạt gần 14,33 triệu tỷ đồng.

Để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng của người dân, các ngân hàng đều nới lỏng điều kiện cho vay. Các gói vay ưu đãi lãi suất, kéo dài thời gian trả nợ giúp người dân yên tâm tiếp cận. Anh Trịnh Hoài Nam (quận Hoàn Kiếm) cho biết, anh có nhu cầu vay khoảng 200 triệu đồng để mua ô tô chở hàng. Vào trang web ngân hàng tìm hiểu, anh thấy có nhiều thông tin hấp dẫn như “vay mua ô tô, duyệt 10 phút, lãi suất chỉ từ 6%” hay “lãi suất cạnh tranh, giải ngân ngay khi có giấy hẹn nhận đăng ký xe”.

Các ngân hàng lớn như Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) còn đưa ra các chính sách cạnh tranh, với hạn mức vay lên đến 80% giá trị xe, thời gian vay lên tới 96 tháng. Qua giới thiệu của nhân viên showroom ô tô, anh Nam chọn một ngân hàng nước ngoài có trụ sở tại Hà Nội, với mức lãi suất từ 5,8%/năm, kỳ hạn vay đến 7 năm và hạn mức đến 80% giá trị khi xe mua mới.

Ngoài cho vay mua ô tô, Vụ Dự báo - Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) đã liệt kê hàng loạt lĩnh vực được nới lỏng điều kiện tín dụng như cho vay mua nhà để ở, kinh doanh du lịch; đầu tư ứng dụng công nghệ cao hay đầu tư vào các ngành dịch vụ logistics, xuất, nhập khẩu, chứng khoán, bất động sản, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và xây dựng.

Tuy nhiên, nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng được các tổ chức tín dụng nhận định chỉ phục hồi nhẹ trong nửa đầu năm 2024. Các tổ chức tín dụng kỳ vọng nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng, trong đó có tín dụng tiêu dùng được cải thiện tốt hơn trong 6 tháng cuối năm.

Tiếp cận khoản vay dễ dàng hơn

Các chuyên gia nhận định, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam sẽ khởi sắc hơn khi nền kinh tế dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong các tháng còn lại của năm 2024. Đặc biệt, những chính sách mới sẽ giúp người vay dễ dàng tiếp cận và các ngân hàng thương mại tham gia mạnh mẽ.

Đáng lưu ý, từ đầu tháng 7-2024, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 12/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, cho phép các tổ chức tín dụng cho vay khoảng dưới 100 triệu đồng không phải bắt buộc khách hàng cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi.

“Cơ chế này được kỳ vọng sẽ giúp khách hàng tiếp cận các khoản vay nhỏ một cách dễ dàng hơn, kích thích sự phát triển của tài chính tiêu dùng”, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Linh Phương nhận định.

Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, thúc đẩy cho vay tiêu dùng là một trong những chủ trương được Ngân hàng Nhà nước khuyến khích để “rã băng” tín dụng năm 2024. Thông tư số 12/2024/TT-NHNN tạo thuận lợi thực sự cho người dân tiếp cận vốn tiêu dùng, nhất là người có thu nhập thấp, người dân vùng sâu, vùng xa. Một số ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank... đã chuyển hướng sang cho vay tiêu dùng thay vì chỉ tập trung vào phân khúc cho vay doanh nghiệp.

Thời điểm này, trước mùa mua sắm cuối năm, nhiều ngân hàng cũng sẵn sàng nắm bắt cơ hội khi thúc đẩy tín dụng ưu đãi dành cho lĩnh vực tiêu dùng, phục vụ đời sống. Hàng loạt ngân hàng như Á Châu (ACB), Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Tiên phong (TPBank), BIDV, Vietcombank… đã tung ra các gói tín dụng hàng trăm nghìn tỷ đồng ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cũng lưu ý thực trạng nợ xấu ở khối cho vay tiêu dùng đáng lo ngại.

Để thị trường tài chính tiêu dùng thực sự hồi sinh và tăng trưởng bền vững trong những tháng cuối năm 2024 và thời gian tiếp theo, các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục cải thiện môi trường pháp lý, đặc biệt là quy định hướng dẫn thu hồi nợ. Các tổ chức cho vay tiêu dùng cần có biện pháp kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích đã cam kết và trả nợ của khách hàng. Những giải pháp này sẽ giúp hạn chế nợ xấu, bảo đảm khả năng thu hồi nợ gốc, lãi vay đầy đủ, đúng hạn theo thỏa thuận của tổ chức tín dụng với khách hàng.