Bất động sản

Chuyển mục đích sử dụng đất theo luật mới: Giảm thủ tục, tăng quyền lợi

Bạch Thanh 17/08/2024 - 06:42

Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo Luật Đất đai 2024 mở ra nhiều cơ hội mới cho người dân, doanh nghiệp.

Với quy định mới, quá trình này linh hoạt hơn, giảm thiểu thủ tục hành chính, giúp người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng đất đai. Tuy nhiên, việc áp dụng chính sách mới trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng cần được tính toán cẩn trọng...

screenshot-2024-08-17-060812.png
Chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo luật mới tạo điều kiện cho các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng thuận lợi. Trong ảnh: Mô hình trồng ớt xuất khẩu tại xã Sơn Công (huyện Ứng Hòa) cho giá trị kinh tế cao.

Tối ưu hóa giá trị đất đai

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất là một trong những nội dung then chốt của Luật Đất đai, tác động trực tiếp đến khả năng khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai quốc gia. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nhu cầu đất đai cho sản xuất công nghiệp, dịch vụ, phát triển đô thị ngày càng tăng. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất không chỉ tối ưu hóa giá trị đất đai mà còn tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Theo đó, Luật Đất đai 2024 quy định cụ thể hơn về các loại đất được phép chuyển đổi mục đích sử dụng; bảo đảm việc chuyển đổi phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của từng địa phương. Đặc biệt, quy định mới cũng nêu rõ các trường hợp chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, đất ở hoặc đất công nghiệp phải được thực hiện trên cơ sở bảo vệ lợi ích cộng đồng và môi trường.

Theo Điều 121 của Luật Đất đai 2024, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất sẽ được áp dụng theo loại đất mới sau khi chuyển đổi.

Một điểm nổi bật khác của Luật Đất đai 2024 là việc mở rộng các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất không cần xin phép cơ quan chức năng. Quy định mới này không chỉ đơn giản hóa quy trình hành chính mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tăng quyền lợi, giảm bớt gánh nặng thủ tục...

Bảo đảm hài hòa lợi ích

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có hàng nghìn thửa đất xen kẹt trong khu dân cư dẫn đến tình trạng bỏ hoang, gây lãng phí. Trước đây, việc người dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, tại Luật Đất đai 2024, Điều 116 quy định cho phép thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng loại đất này. UBND thành phố Hà Nội cũng đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền của UBND thành phố về lĩnh vực đất đai trên địa bàn Hà Nội...

Xung quanh nội dung này, ông Đặng Văn Tiến ở phường La Khê (quận Hà Đông) cho rằng, đối với diện tích đất nông nghiệp, vườn ao nhỏ lẻ, xen kẹt trong khu dân cư cần có chính sách chuyển đổi hợp lý. Việc này giúp tăng nguồn thu cho Nhà nước, tối ưu hóa giá trị đất đai; đồng thời tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Ở khía cạnh khác, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất dựa trên bảng giá đất mới do UBND cấp tỉnh ban hành, có hiệu lực từ ngày 1-1-2026, sẽ tác động đến các hộ dân với nhiều thế hệ sinh sống trên cùng một thửa đất. Nếu không có sự tính toán hợp lý sẽ tăng chi phí chuyển mục đích sử dụng đất, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Ông Nguyễn Tiến Đạt ở xã Ba Trại (huyện Ba Vì) cho biết, ông có thửa đất 2.000m² bao gồm đất ở và đất trồng cây lâu năm, muốn phân chia để di chúc thừa kế cho 3 người con. Ông hy vọng, khi ban hành bảng giá đất mới và phương thức tính tiền chuyển đổi mục đích trên cùng thửa đất, thành phố có sự cân nhắc phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người dân...

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan đến giá đất là vấn đề khó, tác động tới nhiều người dân, nhất là các hộ dân khu vực nông thôn, miền núi... Do đó, Sở đang lấy ý kiến các quận, huyện, thị xã, sở, ngành liên quan để bảo đảm chính sách đáp ứng yêu cầu Luật Đất đai 2024 và nghị định hướng dẫn thi hành, có kế thừa quy định trước đây của thành phố.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Viết Xuân:
Đơn giản hóa thủ tục chuyển đổi

t3-ykien-le-viet-xuan.jpg

Trước đây, quá trình chuyển đổi đất từ trồng 2 vụ lúa sang các loại cây trồng khác thường gặp rất nhiều khó khăn, vì thủ tục phức tạp. Điều này gây trở ngại lớn cho các dự án hợp tác sản xuất nông nghiệp trên đất 2 vụ lúa, khiến người dân và doanh nghiệp phải linh động thực hiện các mô hình thử nghiệm hoặc đối phó với các quy định chưa thực sự thông thoáng. Giờ đây, chuyển mục đích sử dụng đất, nhất là trong nội bộ đất nông nghiệp, đã trở nên đơn giản và hiệu quả hơn nhờ các quy định mới của Luật Đất đai 2024.

Với Luật Đất đai 2024, các trường hợp như chuyển đổi đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ hay rừng sản xuất sang các loại đất nông nghiệp khác đã được đơn giản hóa thủ tục. Như vậy sẽ giúp cải thiện hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp và mở ra cơ hội lớn cho các khu vực đất 2 vụ lúa, nơi tưới tiêu không thuận lợi; đồng thời, doanh nghiệp và hợp tác xã cũng dễ dàng hơn trong việc triển khai các mô hình nông nghiệp mới.

Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì) Nguyễn Trung Thành:
Cần được giám sát chặt chẽ

t3-ykien-nguyen-trung-thanh.jpg

Để chính sách về chuyển mục đích sử dụng đất phát huy tối đa hiệu quả, cần có những nghiên cứu cụ thể về tác động kinh tế - xã hội của từng loại hình chuyển đổi ở mỗi khu vực. Từ đó, các quyết định được đưa ra sẽ phù hợp hơn, bảo đảm lợi ích lâu dài cho nền kinh tế và cộng đồng dân cư.

Đặc biệt, ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khi chính sách chuyển đổi mục đích sử dụng đất được thực hiện đúng cách, tạo ra cơ hội kết nối tốt hơn với các khu vực phát triển khác.

Tuy nhiên, việc chuyển mục đích sử dụng đất cần được giám sát chặt chẽ bởi các cơ quan chức năng, bảo đảm tuân thủ đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tránh tình trạng quy hoạch treo hoặc chuyển đổi không đúng mục đích. Cần áp dụng công nghệ thông tin và các hệ thống quản lý đất đai hiện đại vào quá trình theo dõi và giám sát việc chuyển đổi, giúp các cơ quan quản lý có thể cập nhật và đánh giá tình hình sử dụng đất một cách kịp thời và chính xác hơn.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ tổng hợp Sơn Đông (thị xã Sơn Tây) Nguyễn Duy Cường:
Phù hợp với thực tiễn

t3-ykien-nguyen-duy-cuong.jpg

Chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang sử dụng vào mục đích khác là vấn đề nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, trước đây, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp chưa được xác định một cách cụ thể, chưa bao quát được hết các trường hợp chuyển mục đích. Đáng chú ý, chủ thể sử dụng đất còn gặp khó khăn bởi các quy định về nghĩa vụ tài chính đối với hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất…

Trong những năm qua, Nhà nước không ngừng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai; nhiều văn bản quy phạm pháp luật được cấp thẩm quyền ban hành, tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc tổ chức thực hiện ở cấp địa phương. Do đó, việc quy định về chuyển mục đích sử dụng đất trong Luật Đất đai 2024 phù hợp với thực tiễn, nhằm khắc phục triệt để những vướng mắc trong quy định hiện hành là rất cần thiết, giúp các cấp chính quyền thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng đất đai.

Thanh - Dương ghi