Góc nhìn

Ưu tiên hoàn thiện thể chế, khơi dậy mọi nguồn lực phát triển

Chí Kiên 17/08/2024 - 06:20

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định 3 đột phá chiến lược trong phát triển đất nước, trong đó hoàn thiện đồng bộ thể chế là đột phá chiến lược được đặt ở vị trí đầu tiên và quan trọng nhất (2 đột phá chiến lược còn lại là phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng).

Như vậy có thể thấy, việc hoàn thiện thể chế luôn là nhiệm vụ ưu tiên đi trước, mở đường cho đột phá phát triển bền vững đất nước.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ hoàn thiện thể chế trong thời gian qua cho thấy một đặc điểm chung là mọi cơ chế, chính sách, pháp luật được sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới đều xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo.

Kết quả nổi bật là hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách được ban hành ngày càng đầy đủ, đồng bộ, minh bạch, thực sự hiệu lực, hiệu quả. Gần đây chúng ta có thể thấy những bộ luật được Quốc hội thông qua đã bám sát “hơi thở” cuộc sống, được nhân dân đồng tình, ủng hộ như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đường bộ, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Thủ đô…

Đáng chú ý, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đổi mới mạnh mẽ việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền minh bạch, xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn giữa trung ương - địa phương và giữa các bộ, ngành. Đặc biệt, các văn bản quy phạm pháp luật ban hành ngày càng đầy đủ, bao hàm trong mọi lĩnh vực và có nội dung cụ thể, dễ thực hiện đã tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch, góp phần quan trọng để từng bước xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, đồng thời loại bỏ những giấy phép “con” không phù hợp, mang tính “hành dân”…

Việc hoàn thiện thể chế cũng tập trung xây dựng và thực thi cơ chế, chế tài đủ mạnh để các cơ quan, đơn vị, nhất là những cá nhân được giao quyền lực phải thực hiện đúng, đầy đủ, có trách nhiệm chức trách, nhiệm vụ được giao. Các quy định pháp luật chặt chẽ đều hướng đến mục tiêu tối thượng là đề cao trách nhiệm, đạo đức của tổ chức, cá nhân trong quá trình thực thi công vụ; không dám, không thể lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực vì mục đích tư lợi cá nhân.

Phải khẳng định, những đột phá về thể chế đã đi trước, mở đường và huy động được mọi nguồn lực cho đất nước phát triển. Chúng ta có thể thấy rõ điều này trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức cả trong và ngoài nước, nhưng nước ta vẫn đạt được những thành tựu đáng tự hào. Trong nhiều năm qua, kinh tế vĩ mô luôn được giữ ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát tốt, các cân đối lớn được bảo đảm; an ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm…

Đặc biệt, lĩnh vực đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng; phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực. 7 tháng của năm 2024, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 18 tỷ USD, tăng 10,9% và vốn FDI thực hiện đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4%, cao nhất cùng kỳ trong 5 năm qua.

Cũng trong 7 tháng qua đã có 139.500 doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường). Đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện, an sinh xã hội được bảo đảm; trong đó, việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ tháng 7-2024 đã nhận được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước.

Với vai trò quan trọng của nhiệm vụ hoàn thiện thể chế để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước nhanh và bền vững, trong phát biểu tại Hội nghị gặp mặt các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thông tin về tình hình của Đảng, đất nước trong những tháng đầu năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2024 và thời gian tới được Bộ Chính trị tổ chức ngày 15-8 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đang quyết liệt chỉ đạo 4 công tác, trong đó có nhiệm vụ: “Ưu tiên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, tạo thuận lợi cao nhất cho mọi hoạt động bình thường trong khuôn khổ pháp luật, đóng góp xây dựng đất nước, nâng cao đời sống nhân dân của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước”.

Như vậy, hoàn thiện thể chế luôn là nhiệm vụ ưu tiên của Đảng, Nhà nước ta, với một trong những đích hướng đến là tạo thuận lợi nhất cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh và nâng cao đời sống nhân dân. Do đó, một mặt tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, đồng thời bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành và thực thi hệ thống pháp luật cùng các cơ chế, chính sách hiện hành; mặt khác, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung rà soát, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn từ thực tiễn, những vấn đề mới, vấn đề phát sinh mà chưa dự báo được từ trước… để từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật cùng các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển đất nước. Làm tốt nhiệm vụ này cũng sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TƯ ngày 9-11-2022 Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.