Các trường cao đẳng nghề chưa tham gia đào tạo các ngành liên quan đến bán dẫn
Ngày 16-8, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng tổ chức Hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn tại các trường cao đẳng”.
Chia sẻ tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Minh Sơn, Trường Đại học (ĐH) Công nghệ Thông tin (ĐH Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) thông tin, theo Trung tâm dự báo nguồn nhân lực, Việt Nam đang đáp ứng khoảng 20% nhu cầu lao động cho ngành bán dẫn. Đến năm 2030, Việt Nam sẽ cần thêm khoảng 30.000 - 50.000 lao động chất lượng cao trong ngành này.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Sơn, hiện nay trong 3 khâu thiết kế (Design), sản xuất (Manufacturing) và lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói (Assembly - Testing - Packaging, ATP), trước năm 2023, một số trường ĐH có giảng dạy một vài nội dung khâu thiết kế trong một số chuyên ngành nhưng gần như chưa đào tạo trong khâu sản xuất hay ATP. Đến năm 2024, khoảng 15 trường ĐH có ngành vi mạch bán dẫn, chủ yếu vẫn đi vào khâu thiết kế, chỉ một số bắt đầu đào tạo ATP. Đặc biệt, các trường cao đẳng chưa tham gia vào đào tạo các ngành liên quan đến bán dẫn.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần TUMIKI đánh giá, đào tạo nhân lực cho khâu ATP sẽ hợp lý hơn với các trường hệ cao đẳng, còn khâu thiết kế phù hợp hơn cho bậc ĐH và sau ĐH. “Khó khăn cho các trường cao đẳng nằm ở chương trình đào tạo và khả năng đảm bảo thực hành cho sinh viên”, ông Nguyễn Quốc Tuấn nói.
Do đó, ông Nguyễn Quốc Tuấn kiến nghị, về chương trình đào tạo, thay vì phát triển riêng lẻ, các trường cao đẳng lớn có thể cùng nhau hợp tác, đóng góp các chuyên gia tiềm năng của từng trường để thành lập một nhóm phát triển chương trình. Nhóm này sẽ được tài trợ để tập huấn kinh nghiệm từ các trường ĐH, cao đẳng nước ngoài mạnh về lĩnh vực ATP. Còn về khâu thực hành, đây là khâu quan trọng nhất bởi khi tuyển dụng nhân sự cho ngành bán dẫn, các doanh nghiệp thường đòi hỏi ứng viên đã từng trải qua hầu hết các nhiệm vụ thực tế.
Vì cơ sở vật chất thực hành cho ngành bán dẫn rất “đắt đỏ”, các trường nên tận dụng những nguồn lực bên ngoài, đặc biệt từ các đối tác ở các quốc gia mạnh về vi mạch bán dẫn…
Phát biểu tại hội thảo, bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh nhận định, trong thời gian tới, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tăng cường hơn nữa sự gắn kết với các các trường ĐH, trung tâm đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo tại nước ngoài để nhanh chóng tiếp cận, xây dựng các chương trình đào tạo tiệm cận với các công nghệ tiên tiến hiện nay.
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên cả nước rà soát đánh giá thực trạng, năng lực tổ chức đào tạo các ngành, lĩnh vực mới nổi trong đó có các ngành nghề liên quan đến bán dẫn. Tổng cục cũng đang khảo sát nhu cầu thực tế nguồn nhân lực bán dẫn ở trình độ cao đẳng.
Trên cơ sở thực tế và nhu cầu, Tổng cục sẽ tham mưu cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội điều chỉnh danh mục ngành nghề đào tạo, bổ sung vào các ngành nghề liên quan đến bán dẫn. Những ngành nghề mới liên quan đến bán dẫn có thể được thực hiện trong một nhóm trường cao đẳng đã có kết nối mạnh với doanh nghiệp, với sự hỗ trợ của Tổng cục….
Tiến sĩ Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng cho biết, nhiều hãng công nghệ lớn đã và đang dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam. Vì vậy, các trường cao đẳng cần phải có sự chuẩn bị thật tốt để “lấn sân” vào đào tạo lĩnh vực này, góp phần cung cấp nguồn nhân lực phục vụ Chiến lược phát triển ngành bán dẫn tại Việt Nam.