Nhà Nguyễn ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai như thế nào?
Ngày 16-8, Hội Khoa học Lịch sử (KHLS) tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Diễn trình lịch sử về thiên tai tại Thừa Thiên - Huế”.
Theo TS Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội KHLS tỉnh Thừa Thiên - Huế, biến đổi khí hậu đã và đang tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Để nghiên cứu thấu đáo về diễn trình lịch sử về thiên tai ở Thừa Thiên - Huế, hội thảo nhằm tìm hiểu quy luật, biến động của thời tiết qua các giai đoạn, đồng thời hiểu rõ thêm những biện pháp phòng, chống, cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ, khắc phục hậu quả lũ lụt qua từng thời kỳ lịch sử.
Các biện pháp ứng phó thiên tai dưới triều Nguyễn
Xảy ra cách đây đúng hai hoa giáp - 120 năm, trận bão năm Giáp Thìn (1904) là một trong những thảm họa thiên tai cực lớn mang tính lịch sử của vùng đất Huế. Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến qua khảo cứu các tài liệu cho biết, 4 vài cầu (vì cầu) Trường Tiền bị thổi bay xuống sông, đình Hương Nguyện ở chùa Thiên Mụ bị đổ sập, cột cờ bằng gỗ trên Kỳ đài Kinh thành bị gãy, chợ Đông Ba mới dựng mấy năm cũng bị sập, hai dãy phòng học ở Trường Quốc học bị cuốn phăng, cửa Thuận An cũ/cửa Eo ở Hòa Duân bị bồi lấp và mở ra cửa Thuận An mới ở vị trí hiện tại, hàng trăm người dân Huế và các huyện bị thiệt mạng...
Sau trận bão năm 1904, việc lựa chọn các mô hình kiến trúc thích ứng và có khả năng chịu đựng mưa bão ở Huế bắt đầu được đặt ra; chức năng cứu hộ, cứu trợ trong và sau thiên tai của lực lượng quân đội, của các cơ quan chính quyền có trách nhiệm được đánh động và được đề cao hơn trước; trách nhiệm bình ổn thị trường, giá cả và ổn định đời sống của người dân sau thiên tai cũng được đặt lên vai của chính quyền quản lý.
“Đặc biệt, cũng từ thảm họa này, xã hội Việt Nam bắt đầu biết kêu gọi tổ chức vận động từ thiện, lạc quyên cứu trợ các vùng bị thiên tai tàn phá. Tất cả đều là những bài học kinh nghiệm rất quý giá và bổ ích để vận dụng có hiệu quả cho công cuộc phòng, chống, cứu hộ, cứu trợ thiên tai của xã hội thời hiện đại”, ông Nguyễn Quang Trung Tiến nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam, các vua Nguyễn ngoài trách nhiệm là người đứng đầu trong việc chỉ huy phòng, chống thiên tai, còn rất nghiêm khắc xử lý các quan chức thiếu trách nhiệm và xuống chiếu về các biện pháp phòng, chống, cứu trợ cho dân chúng khi bị bão lụt, như: Chẩn cấp gạo, nấu cơm muối kịp thời cho dân bị nạn; xuất kho cho vay, giảm giá bán, thế chấp, cấm tích trữ vơ vét lương thực, thuê thuyền nước ngoài tải gạo cứu trợ; xuất kho dự trữ trung ương hoặc điều thóc giữa các tỉnh để cứu trợ, tổ chức lạc quyên, quy dân phiêu tán, chữa bệnh, cấp thuốc men, giúp đỡ trẻ em bị thương nhân mua bán trong cơn hoạn nạn; các biện pháp miễn, giảm, hoãn thuế và sưu dịch hay thu thuế thay thóc bằng tiền cho dân.
Nghiên cứu “Bài học về ứng phó trước thiên tai dịch bệnh của Hoàng đế Minh Mạng”, TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế cho rằng, điều quan trọng nhất là dù trong bất cứ thảm họa do thiên nhiên hay dịch bệnh gây ra, Hoàng đế Minh Mạng và triều đình đều không nao núng, luôn nỗ lực để vượt qua, đảm bảo để bộ máy từ trung ương đến địa phương được vận hành thông suốt, đảm bảo để nhân dân cảm thấy triều đình luôn luôn sát cánh, che chở cho nhân dân. Nhờ những giải pháp đó, sau mỗi lần bị thiên tai, dịch bệnh tấn công, tình hình nhanh chóng được ổn định, đất nước tiếp tục được phát triển và ngày càng hùng cường.
Bài học cho hôm nay
Theo TS Nguyễn Đính (Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế), hệ thống hạ tầng thủy lợi, hồ chứa, đê đập, trạm bơm, cống, kè tuy được đầu tư mạnh trong thời gian qua nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, nhất là trước tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra mau chóng, vượt qua các dự báo và kịch bản; các hiện tượng thiên tai và khí hậu cực đoan ngày càng xảy ra ác liệt với tần suất dày hơn, khó lường hơn.
Mặc dù hệ thống thoát lũ vùng hạ du đã có cải thiện, tuy nhiên vẫn chưa đồng bộ, các trục thoát chính bị bồi lắng, rác, bèo cản dòng chảy; tình trạng cửa biển Thuận An, Tư Hiền bị bồi lắng, nông hóa vực nước đầm phá và ao nuôi thủy sản lấn chiếm các trục thủy đạo làm giảm sức tải của đầm phá và năng lực tiêu thoát lũ ra biển.
Cũng theo TS Nguyễn Đính, hệ thống công trình, trang thiết bị phục vụ phòng, chống thiên tai, truyền tin cảnh báo thiên tai chưa đầy đủ và đồng bộ; chưa đảm bảo đáp ứng trong các tình huống bão mạnh, ngập lụt trên diện rộng kéo dài nhiều ngày, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng núi, ven đầm phá ven biển, vùng trũng dễ bị chia cắt, cô lập.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại của thiên tai, TS Nguyễn Đính đề xuất, công tác chỉ đạo ứng phó thiên tai cần tuân thủ phương châm “4 tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ. Riêng đối với Thừa Thiên - Huế còn cần phát huy hiệu quả phương châm “tự quản tại chỗ”, đề cao trách nhiệm của hệ thống chính trị các cấp.
Tại hội thảo, các nhà khoa học cũng tập trung thảo luận các vấn đề về bài học kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp và kiến nghị thiết thực nhằm hạn chế thấp nhất những hậu quả của thiên tai.