Vướng mắc trong cấp đổi “sổ đỏ” tại xã Thọ Xuân (huyện Đan Phượng): Bao giờ mới được tháo gỡ?
Xã Thọ Xuân có gần 800 hộ dân, được UBND huyện Đan Phượng thừa ủy quyền UBND thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất (gọi tắt là "sổ đỏ") trong giai đoạn 1986-1988.
Đến nay, nhiều hộ đã chia tách, cho tặng con xây dựng nhà ở, không tranh chấp, nay có nhu cầu cấp đổi "sổ đỏ" để ổn định cuộc sống, hạn chế tranh chấp, nhưng… chưa thể thực hiện được. Việc này đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến quyền, lợi ích hợp pháp của các hộ dân, đòi hỏi các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp sớm có giải pháp tháo gỡ.
Hàng trăm hộ dân không được cấp đổi “sổ đỏ”
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Cụm trưởng cụm dân cư số 4 (thôn Thống Nhất, xã Thọ Xuân) Lê Văn Tưởng cho biết, cụm 4 có 337 hộ dân, đến nay còn khoảng 30% số hộ chưa được cấp “sổ đỏ” đất ở, trong đó chủ yếu là các hộ có nhu cầu cấp đổi “sổ đỏ” đã được cấp giai đoạn 1986-1988 nhưng chưa được thực hiện. Gia đình ông cũng chưa được cấp đổi “sổ đỏ” dù đã đề nghị nhiều lần.
“Bố mẹ tôi được cấp “sổ đỏ” năm 1987, với diện tích 378m2 ghi là đất thổ cư, đã chia tách cho 4 anh em tôi xây dựng nhà ở từ nhiều năm nay. Từ năm 2021, anh em tôi đã làm đơn đề nghị UBND huyện Đan Phượng cấp đổi “sổ đỏ” cho gia đình theo quy định, nhưng lại được hướng dẫn phải làm thủ tục cấp giấy chứng nhận lần đầu. Việc này là bất hợp lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi nên chúng tôi không đồng ý”, ông Lê Văn Tưởng thông tin.
Cùng cảnh ngộ, bà Lê Thị Quyên (cụm dân cư số 4, thôn Thống Nhất) chia sẻ: “Bố mẹ tôi cũng được cấp “sổ đỏ” đất thổ cư giai đoạn 1986-1988, đã chia cho 3 anh em tôi xây dựng nhà ở. Nay chúng tôi có nhu cầu cấp đổi “sổ đỏ” để ổn định cuộc sống, hạn chế những tranh chấp sau này nhưng không được đáp ứng. Đáng nói hơn, việc này còn khiến gia đình tôi không có tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng, phát triển kinh tế”.
Không chỉ có thôn Thống Nhất, nhiều hộ dân ở 3 thôn còn lại của xã Thọ Xuân được UBND huyện Đan Phượng thừa ủy quyền UBND thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất trong giai đoạn 1986-1988 đều bày tỏ mong muốn được chính quyền các cấp, cơ quan chức năng của thành phố và huyện Đan Phượng sớm có giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp đổi “sổ đỏ”, nhằm bảo đảm quyền lợi cho các hộ dân.
Sớm kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc
Trước kiến nghị của cử tri trên địa bàn về việc cấp đổi “sổ đỏ” đất ở, ngày 19-2-2024, UBND huyện Đan Phượng đã có Công văn số 275/UBND-TNMT báo cáo, xin ý kiến Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội giải quyết thủ tục hành chính đối với giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất do UBND huyện Đan Phượng cấp giai đoạn 1986-1988 cho các hộ dân trên địa bàn huyện Đan Phượng (trong đó có xã Thọ Xuân).
Theo đó, ngày 22-3-2024, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có Văn bản số 2026/STNMT-ĐKTTĐĐ gửi UBND huyện Đan Phượng, khẳng định: Giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất do UBND huyện Đan Phượng cấp giai đoạn 1986-1988 không phải là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở… mà chỉ được coi là một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất. Do đó, những trường hợp này phải được cấp giấy chứng nhận theo thủ tục công nhận và cấp giấy chứng nhận lần đầu.
Về văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường, Cụm trưởng cụm dân cư số 4 (thôn Thống Nhất, xã Thọ Xuân) Lê Văn Tưởng cho rằng: "Chúng tôi không đồng tình với trả lời của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. “Sổ đỏ” do UBND huyện Đan Phượng cấp giai đoạn 1986-1988 đều ghi rõ loại đất là đất thổ cư, cớ sao bây giờ lại không được công nhận là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở?".
Thừa nhận thực tế tại địa phương, Chủ tịch UBND xã Thọ Xuân Lê Xuân Hưng cho biết, những năm gần đây, UBND xã liên tục nhận được kiến nghị của cử tri trên địa bàn về vướng mắc trong việc cấp đổi “sổ đỏ” của các hộ dân đã được cấp giai đoạn 1986-1988. Tuy nhiên, do vượt thẩm quyền nên UBND xã đã hướng dẫn các hộ dân liên hệ với Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội huyện Đan Phượng để được hướng dẫn giải quyết.
“Đến nay, nhiều chủ sử dụng đất được cấp "sổ đỏ" giai đoạn 1986-1988 đã mất, không có văn bản phân chia đất, không có di chúc, nếu làm hồ sơ cấp giấy chứng nhận lần đầu, các hộ phải cử người đại diện nên gặp nhiều khó khăn... Do vậy, đề nghị cơ quan có thẩm quyền công nhận “sổ đỏ” đã cấp là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đủ điều kiện được cấp đổi cho các hộ dân theo quy định”, ông Lê Xuân Hưng nêu ý kiến.
Để bảo đảm quyền lợi của người dân, đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, huyện Đan Phượng sớm kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc kể trên để người dân xã Thọ Xuân sớm ổn định cuộc sống.