Thế giới

Liên minh quốc phòng Australia - Anh - Mỹ mở rộng hợp tác với New Zealand

Quỳnh Dương 16/08/2024 - 13:54

Ngày 16-8, các nhà lãnh đạo của Australia và New Zealand cho biết, hiệp ước quốc phòng ba bên giữa Australia, Anh, Mỹ (AUKUS) sẽ thúc đẩy an ninh và ổn định khu vực trong bối cảnh môi trường chiến lược trở nên thách thức nhất kể từ Thế chiến thứ hai.

1(2).jpg
Thủ tướng Australia Anthony Albanese (trái) và người đồng cấp New Zealand Christopher Luxon trong cuộc họp báo ngày 16-8. Ảnh: Reuters

New Zealand không phải là bên tham gia AUKUS nhưng đã tìm cách thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghệ quân sự. Đây được coi là "trụ cột thứ hai" trong nội dung hiệp ước hợp tác của AUKUS.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết trong một cuộc họp báo với người đồng cấp New Zealand Christopher Luxon: "Chúng tôi chia sẻ rất nhiều giá trị và mục tiêu chung. Không có gì ngạc nhiên khi AUKUS chấp nhận hợp tác cùng New Zealand trong trụ cột thứ hai".

Theo Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon, quan hệ an ninh với Australia, đồng minh quốc phòng chính thức duy nhất của New Zealand, sẽ vẫn chặt chẽ trong thời gian tới. "Chúng tôi muốn có khả năng tương tác hoàn toàn với các lực lượng quốc phòng của Australia. Cả hai quốc gia đã ký một thỏa thuận vào năm ngoái để giúp cải thiện năng lực quân sự”, Thủ tướng New Zealand nhấn mạnh.

Cả hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh đến mối đe dọa từ các cuộc xâm nhập mạng và cho biết, họ sẽ coi các vụ tấn công mạng là hành vi tấn công vũ trang nếu đe dọa đến toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hoặc an ninh của bất kỳ quốc gia nào.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Australia, Anh và Mỹ đã thực hiện được chế độ kiểm soát xuất khẩu khá đồng bộ. Đây là một bước tiến quan trọng cần thiết để tạo điều kiện chia sẻ công nghệ giữa các bên. Hiện, cánh cửa đã mở cho New Zealand tham gia AUKUS.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo: "Bộ Ngoại giao đã đệ trình lên Quốc hội quyết định rằng hệ thống kiểm soát xuất khẩu của Australia và Anh tương đương với hệ thống của Mỹ. Như vậy, các bên có thể tiến hành hợp tác trao đổi công nghệ quốc phòng".

Ngày 16-8, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ công bố quy tắc cuối cùng về miễn trừ cấp phép xuất khẩu công nghệ quốc phòng cho Australia và Anh. Văn bản này có hiệu lực từ ngày 1-9.

Trước đó, dù đã ký hiệp định AUKUS, song theo Quy định nghiêm ngặt về buôn bán vũ khí quốc tế của Mỹ (ITAR), việc chia sẻ công nghệ được bảo vệ chặt chẽ trở thành rào cản cho sự hợp tác.

Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng quốc gia Mỹ (NDAA) năm 2024 yêu cầu, Tổng thống Joe Biden xác định Australia và Anh có chế độ kiểm soát xuất khẩu "tương đương với Mỹ" hay không để xem xét miễn trừ ITAR.

AUKUS được thành lập tháng 9-2021 nhằm tạo đối trọng với Trung Quốc và Nga. AUKUS có 2 trụ cột hợp tác chính. Trụ cột thứ nhất là chia sẻ năng lực hạt nhân cho Australia bằng cách cung cấp các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Trụ cột thứ hai là hợp tác phát triển công nghệ quốc phòng tân tiến liên quan tới 8 lĩnh vực: Năng lực dưới biển, công nghệ lượng tử, trí tuệ nhân tạo (AI), các năng lực mạng tân tiến, năng lực vũ khí siêu thanh cũng như chống vũ khí siêu thanh, tác chiến điện tử, đổi mới sáng tạo và chia sẻ thông tin.