Chính trị

Giữ gìn đạo đức cách mạng - “Vũ khí sắc bén” giúp cán bộ, đảng viên vượt qua cám dỗBài 3: Kiên quyết loại bỏ những “tấm gương” hoen ố

Nhóm phóng viên 16/08/2024 - 06:37

Trong khi đại đa số cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu tự giác thực hành tốt đạo đức cách mạng, thật đáng buồn là vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu ý chí, kém bản lĩnh chính trị, ham hố lợi ích vật chất, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Quy định số 144-QĐ/TƯ ngày 9-5-2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới được ví như cẩm nang giúp nêu cao tính tự giác, lòng tự trọng, giữ gìn phẩm giá, đạo đức của cán bộ, đảng viên; kiên quyết loại bỏ những “tấm gương” bị hoen ố, giữ thanh danh cho Đảng.

quang-canh-ky-hop-thu-45-cu.jpg
Quang cảnh kỳ họp thứ 45 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tháng 8-2024.

Cái giá cho người trót “nhúng chàm”

Thời gian qua đã xảy ra hàng loạt đại án gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, nguy cơ thất thoát rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức Đảng và chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên. Trong đó, đáng chú ý là việc Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 (trong đó có gần 20 cán bộ, đảng viên liên quan) vì vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, Quy chế làm việc.

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Thường vụ, trực tiếp là Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã để doanh nghiệp lũng đoạn, chi phối, can thiệp sâu vào các hoạt động kinh tế - xã hội và công tác cán bộ. Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc mất đoàn kết nghiêm trọng; nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực, nhận hối lộ, bị kỷ luật, xử lý hình sự, làm giảm uy tín của tổ chức Đảng và chính quyền địa phương.

Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam, khám xét đối với 9 bị can. Trong đó có bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc và ông Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, những cá nhân này đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Còn mới đây nhất, ngày 9-8, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Khiển trách Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ 2020-2025 đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để nhiều tổ chức Đảng, đảng viên thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý bị xử lý kỷ luật liên quan đến các dự án/gói thầu do Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) thực hiện; xảy ra vụ án hình sự liên quan đến vi phạm trong công tác quản lý, khai thác khoáng sản cát, nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có lãnh đạo chủ chốt của tỉnh bị xử lý kỷ luật, hình sự.

Tỉnh Vĩnh Phúc và An Giang chỉ là 2 trong số các tỉnh, thành phố có cán bộ, đảng viên bị kỷ luật trong nhiệm kỳ này. Theo số liệu của Ban Nội chính Trung ương, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, có khoảng 1.300 tổ chức Đảng, 65 nghìn đảng viên, 105 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (gồm 26 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 23 sĩ quan cấp tướng…) bị xử lý kỷ luật. Trong đó, các cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra 1.304 vụ/3.523 bị can về các tội tham nhũng (tăng hơn 2 lần về số vụ án và hơn 3 lần về số bị can so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng); hoàn thành xét xử 23 vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Còn tại thành phố Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2024, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 40 tổ chức Đảng và 88 đảng viên. Trong đó, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kết luận 27 tổ chức Đảng và 60 đảng viên có vi phạm; thi hành kỷ luật 9 tổ chức Đảng và 40 đảng viên…

Thực hiện chủ trương “đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, cơ quan chức năng kiên quyết làm rõ trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực được giao quản lý, phụ trách. Trên cơ sở đó, buộc những cán bộ đã trót “nhúng chàm” phải từ chức, xin thôi chức vụ; kịp thời miễn nhiệm, thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút.

Với vai trò tiên phong trong cuộc chiến chống giặc “nội xâm”, lúc sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh, tham nhũng và tiêu cực, nhất là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ với nhau. Vì vậy, phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tức là trị tận gốc của tham nhũng, tiêu cực.

Quan điểm chỉ đạo quyết liệt trên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được người kế nhiệm là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp nối và khẳng định: Tập trung xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Căn nguyên từ suy thoái đạo đức

Nhìn lại các đại án xảy ra tại Công ty cổ phần Việt Á, Tập đoàn FLC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An… cho thấy, nhiều sai phạm hết sức nghiêm trọng đều bắt nguồn từ sự xuống cấp, suy thoái đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức quyền.

Nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy về công tác xây dựng Đảng, Tiến sĩ Hoàng Thị Phương, giảng viên Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong cho rằng, nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật đến mức bị khởi tố là do thiếu chặt chẽ trong quy định, hạn chế trong công tác kiểm tra, giám sát. Một số vụ việc tiêu cực để kéo dài, sau đó trở thành nghiêm trọng, dẫn đến việc cán bộ không chỉ bị xử lý kỷ luật về mặt Đảng mà còn bị xử lý về pháp luật.

“Nguyên nhân chính là do công tác kiểm tra, giám sát chưa làm thường xuyên, dẫn đến việc các cán bộ tự do thực hiện các hành động sai trái mà không lo sợ bị phát hiện. Thậm chí có tình trạng những đoàn kiểm tra, giám sát phát hiện ra vụ việc, nhưng do nể nang, né tránh, chịu tác động từ nhiều phía, thậm chí bị mua chuộc nên đã không xử lý nghiêm minh”, Tiến sĩ Hoàng Thị Phương nhấn mạnh.

Một số cán bộ đã để lợi ích cá nhân chi phối, từ đó dẫn đến những quyết định thiếu sáng suốt, vi phạm đạo đức cách mạng, gây thiệt hại lớn cho Đảng và cho xã hội. Họ bị cám dỗ bởi vật chất và quyền lực, đánh đổi các giá trị cốt lõi của mình vì những lợi ích trước mắt. Theo Tiến sĩ Hoàng Thị Phương, thực tế vẫn còn tâm lý chủ quan, coi thường pháp luật của một số cán bộ, đảng viên. Có những cán bộ, đảng viên tin rằng với chức vụ của mình, họ sẽ khó bị phát hiện hoặc bị xử lý, kỷ luật, từ đó dẫn tới thái độ và việc làm vi phạm kỷ luật của Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, việc thiếu giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng trong một số tổ chức Đảng; thiếu ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của một số cán bộ, đảng viên cũng khiến nhiều người không nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của mình, dẫn đến những hành vi vi phạm liên tiếp.

Quy định số 144-QĐ/TƯ được ban hành trong bối cảnh có nhiều vụ việc đáng buồn xảy ra thời gian qua. Thực tiễn cho thấy, người cán bộ, đảng viên không thường xuyên học tập, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất sẽ dần đánh mất mình, đánh mất “nền tảng gốc” là đạo đức cách mạng, dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị. Nhiều trường hợp cán bộ bị kỷ luật Đảng và xử lý trước pháp luật có nguyên nhân gốc rễ là không coi trọng việc giữ gìn, bồi đắp đạo đức cách mạng, vi phạm nguyên tắc Đảng, Điều lệ Đảng, Quy định về những điều đảng viên không được làm; vì danh lợi cá nhân mà bất chấp kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước. Cái giá phải trả đối với họ là mất liêm sỉ, mất danh dự, có thể mất quyền công dân, nhưng hệ lụy khôn lường là làm mất thanh danh của Đảng, xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho rằng, trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp giữ cương vị “Tổng Tư lệnh” - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã cùng với tập thể Ban Chỉ đạo đẩy mạnh cuộc chiến chống giặc “nội xâm” với tinh thần không khoan nhượng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, nhưng cũng rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình.

(Còn nữa)