Cấp thiết phát triển mạng lưới cấp cứu ngoại viện
Trong cuộc sống hằng ngày, các vụ tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, cháy nổ, bão lũ… có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Nếu người bị nạn được sơ cứu kịp thời, đúng cách sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ khiến bệnh nặng thêm hoặc tử vong trước khi đến bệnh viện.
Do đó, việc phát triển mạng lưới cấp cứu ngoại viện và nâng cao kỹ năng sơ cứu ban đầu cho người dân đóng vai trò vô cùng quan trọng và cần thiết, không thể chần chừ.
Hậu quả khôn lường khi sơ cứu sai cách
Tuần qua, Khoa Điều trị tích cực Nội khoa (Bệnh viện Nhi trung ương) tiếp nhận 5 trẻ bị đuối nước, trong đó chỉ có 1 trẻ được sơ cứu ban đầu đúng cách nên đã hồi phục. 4 trẻ còn lại do cấp cứu sai cách nên hiện vẫn trong tình trạng nguy kịch. Điển hình là bé trai 12 tuổi (ở Nam Định) khi bị đuối nước được đưa lên bờ, người dân đã vác trẻ lên vai rồi dốc ngược và chạy trong khoảng 10 phút. Sau đó, trẻ mới được đưa tới bệnh viện huyện cấp cứu và chuyển lên Bệnh viện Nhi trung ương. Tại đây, trẻ vẫn hôn mê sâu, suy hô hấp, tiên lượng di chứng thần kinh nặng nề.
Thạc sĩ - bác sĩ Hoàng Ngọc Cảnh, Khoa Điều trị tích cực Nội khoa (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ đuối nước rất quan trọng vì thời gian chịu đựng thiếu ô xy của não tối đa khoảng 4-5 phút. Nếu quá giới hạn này, não sẽ tổn thương không hồi phục, gây tử vong hoặc di chứng thần kinh. Do đó, khi thấy người bị đuối nước không tỉnh, không thở, ngừng tim, thì cần phải hồi sức tim phổi (thổi ngạt, ép tim) ngay lập tức. Thế nhưng, dù đã cảnh báo nhiều nhưng nhiều người vẫn dốc ngược nạn nhân chạy vòng quanh. Biện pháp này không những không có tác dụng bơm ô xy lên não, mà còn làm lỡ thời gian vàng cứu sống người bị nạn.
Không chỉ đuối nước, khi các ca tai nạn xảy ra tại những nơi công cộng, ngoài bệnh viện như: Trường học, công sở, nhà máy, khu vui chơi, giải trí..., nếu được sơ cấp cứu đúng cách, kịp thời có thể giảm được nguy cơ tổn thương nặng, thậm chí cứu được tính mạng nạn nhân trước khi đến bệnh viện. Thế nhưng, tỷ lệ nạn nhân được sơ cấp cứu ở hiện trường tai nạn đạt thấp. Theo một nghiên cứu tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, những bệnh nhân trước khi đến viện được sơ cứu bởi nhân viên y tế chỉ chiếm 10,5%, tự sơ cứu là 29% và không sơ cứu gì chiếm đến 51%.
Thực tế cũng cho thấy, khi có bất cứ tình huống khẩn cấp nào xảy ra, đa phần người dân đều gọi cấp cứu. Thế nhưng, nhiều trường hợp xe cấp cứu không kịp đến do các nguyên nhân như: Tắc đường, ở quá xa, địa hình xe cấp cứu không tiếp cận được…
Thậm chí, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), với dân số khoảng 10 triệu người như Hà Nội phải cần khoảng 200 xe cấp cứu nhưng hiện mới có 20 xe. Chính vì vậy, chỉ có sơ cấp cứu tại chỗ mới giải quyết được các sự cố bất ngờ xảy ra để cứu sống nạn nhân. Trong các loại chấn thương, chấn thương sọ não là nguyên nhân chính gây tàn phế và tử vong. Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, trung bình một ngày có 3 người tử vong do chấn thương sọ não.
“Đối với bệnh nhân chấn thương sọ não, 10 phút đầu tiên được gọi là “thời gian kim cương” để sơ cứu, cứu sống người bệnh. Tuy nhiên, chúng ta chưa có đủ lực lượng đến tận hiện trường cấp cứu nạn nhân”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cho biết.
Góp phần giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội
Nhằm đáp ứng nhu cầu cấp cứu ngoại viện của người dân trên địa bàn Thủ đô, đến nay, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội đã củng cố, mở rộng hệ thống mạng lưới gồm 8 trạm cấp cứu khu vực là: Trạm Cấp cứu trung tâm; Trạm Cấp cứu khu vực Từ Liêm, Long Biên, Hà Đông, Thanh Trì, Đống Đa, Tây Hồ, Đông Anh. Dự kiến, thời gian tới, Trung tâm Cấp cứu 115 sẽ triển khai thêm 4 trạm cấp cứu 115 tại các khu vực: Sơn Tây, Thạch Thất, Sóc Sơn và Thường Tín.
Còn thành phố Hồ Chí Minh vừa triển khai Trạm Cấp cứu vệ tinh 115 tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Bệnh viện áp dụng quy trình xuất xe cứu thương chỉ trong vòng 3-5 phút, ngay sau khi nhận điều phối từ tổng đài cấp cứu 115.
Bác sĩ Phan Thị Xuân, Trưởng khoa Cấp cứu kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của bệnh viện cho biết, đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy mạng lưới cấp cứu y tế ngoại viện của thành phố. Đặc biệt, kết nối và tiếp cận sớm nhất các trường hợp cần cấp cứu để xử lý ban đầu và điều trị chuyên sâu, từ đó đem đến khả năng phục hồi tốt nhất cho bệnh nhân, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Ngoài sự tham gia của các bệnh viện, trung tâm cấp cứu, theo các chuyên gia y tế, cấp cứu ngoại viện hay cấp cứu ban đầu cần phải coi là một kỹ năng sống cho tất cả mọi người. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã phổ biến những kiến thức cấp cứu ngoại viện cho mọi đối tượng ngoài nhân viên y tế như: Cảnh sát; lực lượng phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ… và phổ biến rộng cho cả cộng đồng.
Đồng quan điểm trên, bác sĩ Ngô Đức Hùng, Trung tâm Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, mục đích của sơ cấp cứu là nhằm giảm thiểu các trường hợp tử vong, hạn chế tổn thương thứ phát và tạo điều kiện cho nạn nhân hồi phục. Muốn sơ cứu được cần phải hiểu nguyên lý an toàn. Vì vậy, việc phổ biến và đào tạo các kỹ thuật cấp cứu ban đầu đối với cộng đồng là rất cần thiết. Qua đó, người dân bình thường cũng được trang bị kiến thức để biết cách sơ cứu trong mọi tình huống.