Hà Nội kết nối

30 năm để Phú Mỹ từ huyện nông nghiệp trở thành đô thị cảng biển đầu tiên của Đông Nam Bộ

Chí Linh - Tùng Lâm 15/08/2024 - 19:50

Qua 30 năm hình thành, phát triển, huyện Tân Thành (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã phát triển vượt bậc từ một địa phương thuần nông trở thành thị xã Phú Mỹ có cảng biển, công nghiệp phát triển bậc nhất khu vực phía Nam, làm “bệ phóng” cho thành phố Phú Mỹ từ năm 2025.

a207.jpg
Một góc thị xã Phú Mỹ. Ảnh: VA.

Những cái “nhất” ở đô thị trẻ

Theo chủ trương của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, từ năm 2025, thị xã Phú Mỹ (huyện Tân Thành cũ) sẽ trở thành thành phố Phú Mỹ với diện tích tự nhiên hơn 333 km2, dân số gần 195.600 người với 8 phường và 2 xã trực thuộc. Tính đến tháng 8-2024, thị xã Phú Mỹ có tỷ lệ đô thị hóa đạt 86,09% và đạt 11/11 tiêu chí trở thành thành phố.

Nhưng ngay từ lúc này, Phú Mỹ đã mang trong mình nhiều công trình có quy mô quốc gia và quốc tế. Trước tiên là hệ thống cảng biển Cái Mép – Thị Vải dài hàng chục km với độ sâu 15 – 20 m và bề rộng 600m, quy mô lớn nhất Việt Nam, hằng năm đóng góp cho ngân sách hơn 20.000 tỷ đồng tiền thuế. Đây là một trong 23 cảng trên thế giới có thể tiếp nhận tàu có trọng tải đến đến 250.000 tấn, lớn nhất hiện nay; thuộc nhóm 50 cảng biển có sản lượng khai thác container cao nhất thế giới; xếp thứ 11 cảng container hoạt động tốt nhất toàn cầu.

a208.jpg
Cảng Cái Mép - Thị Vải xếp hạng 11/370 cảng container hoạt động tốt nhất toàn cầu. Ảnh: VA.

Trong buổi trao đổi mới đây với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, bà Hani Kalinski, Phó Chủ tịch, phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương hãng tàu ZIM (top 10 thế giới về dịch vụ vận tải hàng hóa) cho biết hãng đã chính thức lựa chọn Cái Mép - Thị Vải trở thành trung tâm trung chuyển tại khu vực Đông Nam Á từ năm 2024.

Thứ hai, Phú Mỹ là nơi có kho cảng LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) đầu tiên và lớn nhất Việt Nam, quy mô 1 triệu tấn/năm, được Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đầu tư gần 300 triệu USD, đi vào hoạt động từ tháng 10-2023. Theo Tổng Giám đốc PV GAS Phạm Văn Phong, kho LNG Thị Vải giai đoạn 2 dự kiến nâng công suất lên 3 triệu tấn LNG/năm, đáp ứng mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng, chuyển dịch và xanh hóa nguồn năng lượng quốc gia.

a209.jpg
Thị xã Phú Mỹ là nơi đặt kho cảng LNG đầu tiên và lớn nhất Việt Nam. Ảnh: VA.

Đáng chú ý, thị xã Phú Mỹ cũng là nơi được Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) chọn xây dựng dự án tổ hợp sản xuất nhựa Polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG với tổng mức đầu tư hơn 1,4 tỷ USD, đã đi vào sử dụng. Đây là kho ngầm chứa LPG lớn nhất Đông Nam Á. Cùng với đó, tại thị xã Phú Mỹ, đang có nhiều nhà máy điện khí hoạt động, trở thành trung tâm năng lượng của cả vùng.

Thị xã Phú Mỹ hiện có 9 khu công nghiệp tập trung và 3 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích gần 5.000 ha, chiếm gần 60% diện tích khu công nghiệp toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thu hút 284 dự án đầu tư trong và ngoài nước. Đây cũng là đầu mối giao thông quan trọng khi có nhiều tuyến đường huyết mạch đi qua và chỉ cách sân bay Long Thành 30km…, thuận lợi cho giao thương.

Bí thư Thị ủy Phú Mỹ Nguyễn Văn Việt cho biết địa phương vinh dự và ý thức được trách nhiệm khi đang cùng gánh vác 2 trong 4 trụ cột kinh tế của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là công nghiệp và cảng biển.

Thành phố cảng đầu tiên của Đông Nam Bộ

Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu đã đề ra chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị và triển khai đề án đưa thị xã Phú Mỹ trở thành thành phố loại II vào năm 2025. Đây là định hướng lớn để UBND tỉnh xây dựng 3 đề án về phát triển kinh tế - xã hội tại Phú Mỹ gồm: Đề án “Phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại thành phố mới Phú Mỹ”; Đề án “Tiếp tục phát triển, hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn nhất cả nước, tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới” và Đề án “Nghiên cứu khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ”.

a211a.jpg
Phú Mỹ sẽ là một trung tâm công nghiệp của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đông Nam Bộ. Ảnh: VA.

Về Đề án “Phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại thành phố mới Phú Mỹ”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh cho biết, tỉnh chủ trương phát triển đô thị mới Phú Mỹ là “Đô thị cảng biển - công nghiệp - trung tâm logistics hiện đại”quy mô quốc gia, là “Trung tâm hội nhập - cạnh tranh quốc tế” của vùng...

Về Đề án “Tiếp tục phát triển, hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn nhất cả nước, tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới”, ông Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Tổ trưởng Tổ xây dựng Đề án, thông tin tỉnh đặt mục tiêu này nhằm góp phần để địa phương và Đông Nam Bộ cùng phát triển nhanh, mạnh; cùng Việt Nam trở thành trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á.

a210.jpg
Cụm cảng cái Mép - Thị Vải ở Phú Mỹ được định hướng trở thành cảng có tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới. Ảnh: VA

Về Đề án “Nghiên cứu khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ”, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chủ trương phát triển vùng công nghiệp – dịch vụ - đô thị cảng biển, tập trung các trung tâm logistics, khu thương mại tự do, cảng cạn cung cấp dịch vụ vận tải kho bãi..., tăng cường kết nối thương mại quốc tế.

Ông Dương Minh Thanh, 62 tuổi, ngụ tại xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, chia sẻ: “Đúng ngày 15-8 của 30 năm trước, huyện Tân Thành của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được thành lập, sau đó trở thành thị xã Phú Mỹ. Nơi tôi ở trước là vườn điều mênh mông, nay đường cao tốc, quốc lộ nối cảng biển, khu công nghiệp... đã hiển diện; đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Chúng tôi tin hưởng và kỳ vọng Phú Mỹ sẽ sớm phát triển thành đô thị trẻ, nhưng năng động của Bà Rịa – Vũng Tàu và cả nước".