Hà Nội kết nối

TP Hồ Chí Minh phấn đấu mỗi tháng giải ngân trên 10.000 tỷ đồng vốn đầu tư công

Nguyễn Lê 15/08/2024 - 13:05

Trong 7 tháng năm 2024, thành phố Hồ Chí Minh mới giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 12.300 tỷ đồng, tương đương hơn 15% số vốn được giao.

anh-2.jpg
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: BTC

Ngày 15-8, Báo Người lao động tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 phiên thứ 3 với chủ đề “Tháo điểm nghẽn giải ngân đầu tư công”.

Nhà báo, Tiến sĩ Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người lao động cho biết, vấn đề của đầu tư công là cơ chế, cách làm, nhất là tinh thần trách nhiệm của những người thực hiện…, cần được giải quyết để thúc đẩy kinh tế phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, địa chính trị có những yếu tố tác động từ bên ngoài. Quan trọng là phải huy động mọi nguồn lực của xã hội.

Năm 2024, Thủ tướng Chính phủ giao khoảng 79.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cho thành phố Hồ Chí Minh. Trong 7 tháng năm 2024, thành phố mới giải ngân đạt 12.392 tỷ đồng (hơn 15% số vốn được giao), thấp hơn mục tiêu thành phố đặt ra trong 6 tháng đầu năm.

anh-1.jpg
Nhà báo, Tiến sĩ Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người lao động phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: BTC

Theo ông Lê Bách Cương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Đầu tư xây dựng, phụ trách phía Nam, thuộc Cục Quản lý Đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải), tính đến tháng 7-2024, ngành giao thông vận tải đã giải ngân hơn 30.0000 tỷ đồng, đạt khoảng 50% kế hoạch của năm, tập trung vào các dự án cao tốc Bắc - Nam.

Cũng theo ông Lê Bách Cương, giải phóng mặt bằng là khâu khó khăn nhất. Là một trong những ngành được phân bổ vốn đầu tư công lớn, ngành giao thông vận tải đang phối hợp với các địa phương tập trung giải quyết điểm nghẽn này. Một số dự án cũng được triển khai theo cơ chế đặc thù, rút ngắn thủ tục, qua đó đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang tập trung tháo gỡ các khó khăn trong khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng; giải quyết dứt điểm các kiến nghị của các sở, ban, ngành, địa phương; đẩy mạnh giải ngân đầu tư các dự án hạ tầng lớn.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trước yêu cầu sân bay quốc tế Long Thành phải đẩy nhanh tiến độ, dự án cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành mở rộng đang được thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, dự án này cũng đang có nhiều điểm nghẽn.

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, dự án cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh) sẽ là một điểm nhấn đột phá về đầu tư công trong thời gian tới. Dự án này được Thủ tướng giao thành phố Hồ Chí Minh chủ trì thực hiện. Giai đoạn 1 của dự án được chia thành 4 dự án thành phần, trong đó dự án thành phần 1 gồm xây cao tốc theo phương thức đối tác công - tư (PPP) có tổng mức đầu tư 10.420 tỷ đồng do UBND thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan có thẩm quyền thực hiện.

Liên quan đến vấn đề huy động dòng vốn, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đầu tư công có tác động tích cực đến tín dụng và tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại. Đồng thời, tạo sự tuần hoàn và lưu chuyển dòng vốn trong nền kinh tế thuận lợi. Cũng theo ông Nguyễn Đức Lệnh, hệ thống ngân hàng trên địa bàn thành phố hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu vốn cho đầu tư công.

anh-3.jpg
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: BTC

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cho biết, đầu tư công được xem là một trong các động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương vùng Đông Nam Bộ tiếp tục xem giải ngân đầu tư công là động lực để tăng tốc và phát triển.

Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu giải ngân theo từng mốc thời gian. Theo đó, phấn đấu từ nay đến cuối năm, mỗi tháng giải ngân trên 10.000 tỷ đồng, nỗ lực đến cuối năm giải ngân đạt 95%.