Bế mạc phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chiều 14-8, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã phát biểu bế mạc phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8-2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, sau 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8-2024 chuẩn bị nội dung trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành cơ bản chương trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề ra với việc cho ý kiến 10 dự thảo Luật.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ bảy. Ủy ban Thường vụ Quốc hội với tinh thần trách nhiệm cao đã góp ý thẳng thắn, xây dựng nhằm hoàn thiện các dự thảo Luật. Đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan chủ động phối hợp hoàn thiện hồ sơ các dự án Luật, trình đại biểu Quốc hội xem xét tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách dự kiến diễn ra vào cuối tháng 8-2024.
Cho biết phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến diễn ra từ ngày 19-8 đến 22-8 tiếp tục xem xét 1 dự thảo luật và tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan phối hợp chuẩn bị chu đáo các nội dung, tài liệu phiên họp.
Đối với công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 9-2024, đồng chí Trần Thanh Mẫn cho biết, dự kiến có 26 nội dung sẽ được xem xét trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tám, trong đó có 10 dự án luật mới.
“Chính phủ có văn bản đề xuất bổ sung 6 dự án luật, trong đó có 5 dự án luật đề xuất thông qua theo quy trình 1 kỳ họp vào chương trình kỳ họp thứ tám. Đề nghị các cơ quan của Chính phủ khẩn trương hoàn thiện, bảo đảm hồ sơ, tài liệu đủ điều kiện theo quy định gửi các cơ quan của Quốc hội tiến hành thẩm tra”, Chủ tịch Quốc hội nói.
* Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định việc triển khai xây dựng công trình, dự án đầu tư xây dựng công trình trực tiếp phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích và sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trên cơ sở hiện trạng nhà ở riêng lẻ đã có tại khu vực bảo vệ I và phải bảo đảm nguyên trạng về mặt bằng và không gian.
Việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trên cơ sở hiện trạng công trình đã có trong khu vực bảo vệ di tích không thuộc quy định tại điểm trên thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và chỉ được triển khai thực hiện sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh.
Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất cho rằng, trường hợp nhà ở riêng lẻ đã có sẵn trong khu vực bảo vệ di tích nhưng không thuộc yếu tố gốc và cấu thành cảnh quan văn hóa của di tích, việc xin ý kiến của cơ quan chuyên môn văn hóa cấp tỉnh là phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống của người dân trong khu vực có di sản.
Về quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và xử lý di vật, cổ vật được phát hiện, giao nộp, dự thảo quy định cụ thể theo hướng di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu toàn dân, không được chuyển quyền sở hữu, kinh doanh, mua bán, trao đổi, tặng cho; di vật, cổ vật thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng được kinh doanh, mua bán, trao đổi, tặng cho và để thừa kế ở trong nước; bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng chỉ được mua bán, trao đổi, tặng cho và để thừa kế ở trong nước. Trường hợp mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng thông qua đấu giá thì thực hiện theo pháp luật về đấu giá tài sản.
Thảo luận tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, cần có chính sách cho di sản sẽ hình thành trong tương lai. Theo đó, cần giữ gìn các di sản có tiềm năng trở thành di sản văn hoá trong tương lai, như: Tác phẩm điện ảnh, bộ phim nhựa sản xuất trong chiến tranh, di vật của lãnh tụ, dòng họ để giữ gìn các tiềm năng này. “Cần nghiên cứu phát hiện, xem xét bảo vệ và phát huy giá trị. Nếu không phát hiện sớm thì sau này theo thời gian mất đi, khôi phục rất khó”, ông Bùi Văn Cường nói.
Nêu thực tế công tác bảo tồn tại vịnh Hạ Long, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh bày tỏ băn khoăn về quy định xây dựng công trình, dự án đầu tư xây dựng công trình phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích, công trình kinh tế - xã hội tại khu vực bảo vệ II phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ đối với di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới; của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia.
“Cân nhắc vấn đề này vì các công trình phát triển kinh tế - xã hội tại vùng đệm, khu vực bảo vệ II phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tạo thêm thủ tục hành chính. Vậy có cần thiết không, vì các công trình trên nằm ở trên bờ, cách xa khu vực vịnh”, ông Vũ Hồng Thanh nói.
Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đề nghị trong trùng tu, tu bổ, tôn tạo các di tích, phải bảo đảm giữ nguyên giá trị kiến trúc và thẩm mỹ của di tích, tăng khả năng chống đỡ trước sự tác động của môi trường.
“Vừa qua, việc làm mới di tích gây ra xôn xao trong dư luận. Chùa đang cổ kính đẹp nhưng sau khi tu bổ thì như chùa mới, hiện đại. Do đó, bảo quản, tu bổ di tích phải đảm bảo giữ gìn bản sắc, và phải có chế tài nếu xảy ra ảnh hưởng. Vì có di tích không tìm kiếm lại được hình dáng, màu sắc của di tích đó nữa”, bà Nguyễn Thanh Hải nói và đề nghị ngăn chặn việc làm mới các công trình di tích lịch sử mà không đảm bảo yếu tố về lịch sử, kiến trúc.