Xã hội

Chương Mỹ khẩn trương hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất sau lũ lụt

Kim Nhuệ 14/08/2024 - 14:53

Thiệt hại hơn 100 tỷ đồng vì lũ lụt, Chương Mỹ đang khẩn trương xác minh và dự kiến hỗ trợ gần 32 tỷ đồng khôi phục sản xuất nông nghiệp.

Lũ rút
Lũ rút, nhiều thửa ruộng trồng lúa, rau màu ở huyện Chương Mỹ trở thành ao. Ảnh: Bảo Châu

Chuồng trại trống trơn, đồng mênh mông nước

Sau nửa tháng bị lũ lụt cô lập, cuộc sống của người dân các xã: Tân Tiến, Tốt Động, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ... đã trở lại trạng thái bình thường. Tất cả đường làng, ngõ xóm, nhà ở trong khu dân cư đã khô ráo, sạch sẽ. Hàng quán đã mở lại, học sinh nhộn nhịp tới trường, người dân tất bật làm các sản phẩm thủ công truyền thống...

Tuy nhiên, trên nhiều xứ đồng trọng điểm trồng trọt, chăn nuôi ở đây vẫn ngổn ngang cả môi trường lẫn nỗi lòng của nông dân sau lũ. Tại xứ đồng Gốc của thôn Nhân Lý (xã Nam Phương Tiến) rộng chừng 20ha vẫn mênh mông nước. Trên thửa đất cao, mặt ruộng trơ những khóm mạ thâm đen, giàn trồng dưa leo, rau đậu...

gian-dua.jpg
Ruộng trồng dưa leo đến kỳ thu hoạch quả chỉ còn lại giàn trồng. Ảnh: Bảo Châu
Lũ rút để lại nhiều bãi đất trống, giàn trồng dưa leo. Ảnh Bảo Châu
Lũ rút để lại nhiều bãi đất trống, giàn trồng dưa leo. Ảnh: Bảo Châu

Tại các trang trại chăn nuôi, nông dân tất bật vệ sinh, chuẩn bị thức ăn đưa đàn nuôi trở lại chuồng nhà sau thời gian mang đi gửi ở những nơi cao ráo.

Trò chuyện với phóng viên, anh Nguyễn Văn Huynh (ở thôn Nhân Lý) cho biết, gia đình anh vay mượn hơn 400 triệu đồng nuôi 4.700 con gà đẻ và 3.000 con gà thịt. Lũ lên nhanh quá, gia đình chỉ kịp gửi 3.000 con. Số gà còn lại, gia đình đưa lên vị trí cao hơn. Do lũ kéo dài, thời tiết nắng nóng, mất điện 2 ngày làm chết 800 con gà thịt, gà đẻ, tổng giá trị thiệt hại gần 120 triệu đồng...

Tương tự, gia đình chị Lê Thị Hiên (thôn Nhân Lý) cũng vay mượn gần 1,8 tỷ đồng xây dựng chuồng trại nuôi gần 10.000 gà đẻ, gà thịt. Lũ lụt, nắng nóng, mất điện đã làm chết hơn 3.000 con, thiệt hại hơn 400 triệu đồng...

trong-chuong.jpg
Thiên tai làm chết hơn 3.000 con gà, chị Lê Thị Hiên đang phải bỏ trống chuồng nuôi. Ảnh: Bảo Châu

“Cuối tháng này, gia đình tôi phải trả ngân hàng hơn 100 triệu đồng và tiền mua thức ăn chăn nuôi nhưng chưa biết lấy ở đâu. Chỉ mong Nhà nước hỗ trợ, ngân hàng giãn nợ, giảm lãi suất để có đồng vốn sớm khôi phục sản xuất...”, chị Hiên giãi bày.

Để yên tâm đầu tư tái đàn, phát triển chăn nuôi, các hộ dân ở Chương Mỹ mong muốn các cấp chính quyền cho phép mở rộng, nâng cao chuồng trại chăn nuôi theo hướng thích ứng các đợt mưa lũ lớn dài ngày...

huynh-2.jpg
Lãnh đạo xã Nam Phương Tiến xác minh thiệt hại để hỗ trợ gia đình anh Nguyễn Văn Huynh ở thôn Nhân Lý sớm khôi phục sản xuất sau lũ lụt. Ảnh: Bảo Châu

Hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất

Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Lê Văn Lanh cho biết, sau khi lũ rút, xã tập trung bảo đảm đời sống người dân; khắc phục ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, tránh phát sinh dịch bệnh...

Thời điểm này, xã Nam Phương Tiến đang tập trung xác minh, thống kê, đề xuất cấp trên hỗ trợ nông dân thiệt hại khôi phục sản xuất sau lũ. Tuy nhiên, quá trình xác minh, xã phát hiện nhiều hộ, trong đó có gia đình chị Lê Thị Hiên, không thực hiện quy trình kê khai ban đầu, xác nhận việc chăn nuôi..., dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý đề xuất cấp trên hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

“Do nằm trong vùng lũ lụt, ngập úng nên xã thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, nhắc các trưởng thôn, lãnh đạo hợp tác xã nông nghiệp đôn đốc xã viên, nông dân kê khai sản xuất để làm cơ sở hỗ trợ khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh...”, ông Lê Văn Lanh thông tin thêm.

Về việc cải tạo, nâng cấp chuồng trại chăn nuôi theo hướng thích ứng với mưa lũ lớn, xã Nam Phương Tiến sẽ tổng hợp ý kiến của nông dân, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét.

khoi-phuc-1.jpg
Nông dân huyện Chương Mỹ thu dọn vật tư sót lại, mong Nhà nước hỗ trợ khôi phục sản xuất. Ảnh: Bảo Châu

Tương tự Nam Phương Tiến, các xã: Hoàng Văn Thụ, Tân Tiến, Tốt Động... đang phối hợp với Phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ phấn đấu đến cuối tuần này sẽ hoàn thành công tác xác minh, thống kê, hỗ trợ nông dân bị thiệt hại, sớm khôi phục sản xuất.

Tổng hợp của huyện Chương Mỹ cho thấy, đợt mưa lũ vừa qua không chỉ đảo lộn sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân mà còn gây thiệt hại lớn về sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng với tổng giá trị ước hơn 100 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại lĩnh vực trồng trọt khoảng 38,8 tỷ đồng; nuôi trồng thủy sản khoảng 54,141 tỷ đồng; chăn nuôi 7,005 tỷ đồng; công trình đê điều, thủy lợi, giao thông khoảng 7,373 tỷ đồng.

huynh1.jpg
Gia đình anh Nguyễn Văn Huynh (thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến) mong sớm được hỗ trợ để khôi phục sản xuất sau lũ lụt. Ảnh: Bảo Châu

Để khôi phục sản xuất sau lũ lụt, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu cho biết, huyện dự kiến chi khoảng 31,531 tỷ đồng; trong đó, hỗ trợ lĩnh vực trồng trọt 2,906 tỷ đồng; thủy sản 15,585 tỷ đồng; chăn nuôi 2,599 tỷ đồng; sửa chữa công trình đê điều, thủy lợi, giao thông khoảng 7,373 tỷ đồng...

Trước mắt, huyện Chương Mỹ dự kiến chi khoảng 3,068 tỷ đồng hỗ trợ nông dân các xã, thị trấn bị lũ lụt 10 loại giống cây trồng vụ đông xuân sớm với tổng diện tích khoảng 799ha; trong đó, khoai tây là 93,4ha, ngô nếp lai 143,4ha, ngô tẻ lai 75,4ha, ngô ngọt 29ha, rau bí ăn ngọn 80ha, bí đỏ lai 10ha, dưa chuột 73,5ha, cà chua 6ha, đậu rau 26ha, cải ăn lá các loại 262,4ha...

Với sự hỗ trợ kịp thời từ các cấp, các ngành, sự nỗ lực chủ động của nông dân, Chương Mỹ sẽ sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.