Chính trị

Giữ gìn đạo đức cách mạng - “Vũ khí sắc bén” giúp cán bộ, đảng viên vượt qua cám dỗ

Nhóm phóng viên 14/08/2024 - 06:47

LTS: Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 144-QĐ/TƯ (ngày 9-5-2024) về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Với 6 điều, 21 điểm, quy định này là sự phát triển, bổ sung, hoàn thiện tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như hệ thống quan điểm về công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới. Đây thực sự là chuẩn mực đạo đức để mỗi cán bộ, đảng viên “tự soi”, “tự sửa” và tránh xa, vượt qua mọi cám dỗ.

Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu loạt bài viết: Giữ gìn đạo đức cách mạng - “Vũ khí sắc bén” giúp cán bộ, đảng viên vượt qua cám dỗ.

Bài 1: Xây dựng đạo đức cách mạng - công việc hệ trọng của Đảng

Quy định số 144-QĐ/TƯ được ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, phát huy ưu điểm, khắc phục những tồn tại, hạn chế, để Đảng ta thực sự “là đạo đức, là văn minh” như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó khẳng định, việc xây dựng và giữ gìn đạo đức cách mạng luôn là công việc hệ trọng được Đảng ta thường xuyên quan tâm thực hiện và là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên.

ung-xu-3.jpg
Cán bộ, đảng viên thị xã Sơn Tây nghe quán triệt nội dung Quy định số 144-QĐ/TƯ, ngày 9-5-2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, tháng 6-2024.

Đảng ta là đạo đức, là văn minh

Là người Việt Nam, hầu như ai cũng nhớ tới câu thơ của Nguyễn Du trong Truyện Kiều: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Đó cũng là thông điệp giàu triết lý nhân sinh quan của người Việt Nam, đúc rút từ hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, soi tỏ quan niệm về xây dựng một xã hội giàu tính nhân bản, nhân văn.

Theo Mác - Ăng ghen, các hệ thống lý luận đạo đức của các giai cấp khác nhau trong xã hội thường biểu hiện giá trị đạo đức của cả thời quá khứ, hiện tại và tương lai. Lênin đã chỉ rõ “Đạo đức của chúng ta là từ những lợi ích đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản mà ra”. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, xây dựng và trưởng thành dựa trên sự hội tụ của chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa yêu nước chân chính, sự giác ngộ tự thân của giai cấp công nhân Việt Nam, mối liên minh các giai tầng xã hội mà hạt nhân là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân. Xây dựng đạo đức cách mạng trong Đảng là quá trình tạo ra những giá trị văn hóa chính trị, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết và khẳng định “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.

Chế độ xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang hướng tới là mô hình tổ chức xã hội tiến bộ, văn minh. Ở đó, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người mang tính triệt để nhất; phù hợp xu thế thời đại, phù hợp khát vọng dân tộc và nhân loại. Vì thế, những thế hệ nối tiếp nhau trong tiến trình lịch sử hiện đại của dân tộc cần được trao truyền lý tưởng cộng sản cao đẹp, tận tâm, tận hiến cho Đảng, Tổ quốc và nhân dân.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên: “Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”. Tài và đức như đôi cánh chim của người cộng sản, thiếu một trong hai thứ đó ắt hẳn người cộng sản chưa phát triển toàn diện, không đủ điều kiện để cống hiến cho Đảng, Tổ quốc, nhân dân.

Thực tiễn cách mạng hơn 94 năm có Đảng Cộng sản lãnh đạo ở nước ta đã chứng minh, người cán bộ, đảng viên cần có đủ đức, đủ tài, trong đó trước hết phải đặt đạo đức cách mạng làm trọng, vì nếu có tài mà thiếu đạo đức thì dễ bị thoái hóa, biến chất, suy thoái lập trường chính trị, đạo đức, lối sống, làm hỏng việc lớn của Đảng, của đất nước. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh việc xây dựng Đảng phải được tiến hành toàn diện, đồng bộ, trong đó xây dựng đạo đức cách mạng là yêu cầu bức thiết.

“Vũ khí” chống suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống

Quy định số 144-QĐ/TƯ gửi thông điệp sâu rộng tới hơn 5,3 triệu đảng viên và gần 52 nghìn tổ chức cơ sở Đảng trong cả nước về một “vũ khí” chống sự suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống; chứng tỏ quyết tâm của Đảng ta dựa vào đạo đức để làm nhân lõi giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, quy hoạch, bổ nhiệm, đánh giá cán bộ, đảng viên; giúp nhân dân có điều kiện giám sát tư cách đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ là “công bộc của dân”.

Với nội dung ngắn gọn, súc tích, cô đọng và cụ thể, Quy định số 144-QĐ/TƯ đã bao hàm một cách toàn diện các yêu cầu đối với người cán bộ, đảng viên phải thực hiện trước Đảng, Tổ quốc và nhân dân, cho đến các yêu cầu cụ thể về phẩm chất đạo đức. Trong bối cảnh Đảng ta đang quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống suy thoái tư tưởng, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Quy định số 144-QĐ/TƯ giúp nêu cao tính tự giác, lòng tự trọng, giữ gìn phẩm giá, đạo đức của cán bộ, đảng viên.

Điểm mới so với các văn bản khác trước đây là Quy định số 144-QĐ/TƯ đã quy định cụ thể các yêu cầu, tiêu chí chuẩn mực đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, gồm: Yêu nước, tôn trọng nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập; Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm; Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời.

Trong đó, từ Điều 1 đến Điều 5 là sự cụ thể hóa chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Nội dung của từng điều về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên lại được cụ thể hóa thành từng khoản gắn với tên gọi của từng chuẩn mực đạo đức đã nêu ở tên từng điều. Chính xác hơn là từ nội dung cụ thể của 5 điều đã được cụ thể hóa thành 19 chuẩn mực đạo đức cách mạng mà mỗi cán bộ, đảng viên cần phải tuân thủ. Nội dung các chuẩn mực đạo đức cách mạng trong Quy định này có tính cô đọng, khái quát và dễ hiểu.

Là một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm tham gia vào việc xây dựng các quy định, nghị quyết của Đảng, đồng chí Nguyễn Đức Hà (nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương; giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết: Tất cả những nội dung trong Quy định số 144-QĐ/TƯ không phải hoàn toàn bây giờ mới có. Trong đó, có những nội dung được kế thừa và những nội dung có một số điểm mới. Nhưng quan trọng là Quy định này đã tập hợp, hệ thống rất nhiều các văn bản khác nhau, trở thành một văn bản có nội dung ngắn gọn, dễ thực hiện và cũng thuận lợi cho kiểm tra, giám sát.

Điểm mới thứ hai là, mặc dù nội dung của Quy định số 144-QĐ/TƯ không dài nhưng vừa toàn diện, vừa rất cụ thể, được xem là bước bổ sung, hoàn thiện lý luận về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Đây cũng chính là một bước tiếp tục bổ sung, phát triển và hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ và cũng là một bước cụ thể hóa Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề đạo đức. Quy định vừa mang tính khái quát, vừa mang tính hệ thống nhưng lại chi tiết để cán bộ, đảng viên dễ nhớ, dễ thực hiện.

“Quan điểm của Đảng ta từ xưa đến nay là luôn luôn kế thừa nhưng cũng luôn luôn bổ sung và phát triển để từng bước hoàn thiện. Từ thực tế diễn ra, chúng ta lại đặt ra và giải quyết những mâu thuẫn đó. Quá trình giải quyết những vấn đề đó chính là chúng ta bổ sung, hoàn thiện và cụ thể hóa để thực hiện những tư tưởng lớn mà trong nghị quyết của Đảng cũng như lời Bác Hồ đã dạy”, đồng chí Nguyễn Đức Hà nói.

Từ những phân tích trên cho thấy, công việc cần kíp này càng có ý nghĩa quan trọng khi mà một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả những cán bộ cấp cao bị tha hóa quyền lực, tham nhũng, suy thoái về đạo đức, đã gây tổn hại thanh danh của Đảng. Vì thế, Quy định số 144-QĐ/TƯ với những điểm mới và nội dung cụ thể, rõ ràng như một “vũ khí” sắc bén chống sự suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, qua đó đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới hiện nay.

(Còn nữa)