Điểm nóng

Xung đột tại vùng Kursk (Nga) chưa hạ nhiệt:Không để thành điểm nóng mới

Hoàng Linh 14/08/2024 - 06:45

Trong bối cảnh vùng Kursk dần trở thành mảnh ghép mới trong bức tranh xung đột Nga - Ukraine, dư luận quốc tế lo ngại về khả năng chiến sự lan rộng, không chỉ đe dọa đời sống người dân trong khu vực mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro địa chính trị và kinh tế trên diện rộng.

Cộng đồng quốc tế mong muốn các bên kiềm chế, không để Kursk trở thành điểm nóng, đưa xung đột vào quỹ đạo mới nguy hiểm hơn.

xe-tang.jpg
Xe tăng của quân đội Nga di chuyển tại vùng Kursk để ứng phó với lực lượng Ukraine. Ảnh: FP

Đụng độ giữa Nga và Ukraine ở vùng Kursk đã bước sang tuần thứ hai, với cục diện giao tranh rõ ràng hơn. Kiev đang tìm phương hướng tiến công nhằm mở rộng các khu vực kiểm soát ở Kursk, trong khi Mátxcơva tiếp tục huy động nhiều nguồn lực để khóa chặt các hướng tấn công của đối phương. Các điểm nóng lúc này có thể kể tới thị trấn Obshchy Kolodez (cách biên giới Ukraine khoảng 28km), làng Tolpino ở phía Tây và Martynovka ở phía Đông.

Truyền thông Ukraine ngày 13-8 trích lời Tổng Tư lệnh quân đội nước này, Thượng tướng Oleksandr Syrsky cho biết, Kiev hiện kiểm soát khoảng 1.000km2 lãnh thổ vùng Kursk của Nga với 44 khu dân cư. Điện Kremlin không bình luận về thông tin này, nhưng chính quyền vùng Kursk xác nhận, binh sĩ Ukraine hiện diện trên địa bàn sâu 12km với tiền tuyến dài 40km, kiểm soát 28 khu định cư. Những bước tiến của Ukraine đi kèm cái giá đắt. Theo Bộ Quốc phòng Nga, đến hết ngày 12-8, lực lượng của Kiev đã thiệt hại 1.610 binh sĩ, 32 xe tăng và 23 xe thiết giáp chở quân.

Theo giới quan sát, diễn biến những ngày qua cho thấy, Mátxcơva có một số bất lợi trước đà tiến của Ukraine. Việc Ukraine tiến khá sâu cho thấy tuyến phòng thủ bước đầu của Nga chưa đủ hiệu quả và tới đây có thể phải dàn trải để tăng cường phòng thủ, ảnh hưởng tới một số mặt trận miền Đông. Trong khi đó, vấn đề của Ukraine hiện nay nằm ở khả năng duy trì đà tiến sau khi tạo được bất ngờ cho đối phương. Để làm được điều này, Kiev đối mặt thách thức lớn trong việc bảo đảm nguồn cung đạn dược, nhân lực, phương tiện…

Trước mắt, cả Ukraine và Nga đều đang tích cực triển khai các biện pháp nhằm đạt mục tiêu chiến lược tại Kursk. Truyền thông bản địa ngày 13-8 (giờ Việt Nam) cho biết, Mátxcơva đang “suốt ngày đêm” chuyển nhiên liệu cho các phương tiện ở khu vực chiến sự, đồng thời gửi thêm các phương tiện bánh xích lớn tới vùng giao tranh. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Nga quyết tâm trục xuất lực lượng của Ukraine ra khỏi lãnh thổ; đồng thời cảnh báo Mátxcơva sẽ đáp trả Kiev một cách “thích đáng”. Trong khi đó, các lực lượng Ukraine cũng đang cố gắng bao vây Sudzha - nơi khí đốt tự nhiên của Nga được bơm sang Ukraine để đưa tới các nước châu Âu.

Trên trường quốc tế, Nga mạnh mẽ chỉ trích việc Ukraine tìm cách tấn công vào Nhà máy Hạt nhân Zaporizhzhia, nhấn mạnh điều này có thể được coi là một hành động khủng bố hạt nhân. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova kêu gọi cộng đồng quốc tế ngăn chặn cách tiếp cận nguy hiểm này. Các đại diện của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) vừa qua đã kiểm tra một tháp làm mát bị hư hỏng tại Nhà máy Hạt nhân Zaporizhzhia do chiến sự.

Về phần mình, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã chỉ thị các quan chức quốc phòng và ngoại giao thuyết phục đối tác phương Tây chấp thuận cho Kiev sử dụng vũ khí tầm xa được viện trợ trong chiến dịch lần này. Tuy nhiên, Anh và Pháp chưa chấp thuận cho Ukraine sử dụng tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow tấn công vùng Kursk.

Trước thực trạng vùng Kursk chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, dư luận quốc tế lo ngại xung đột Nga - Ukraine sẽ vượt ra khỏi các khu vực “truyền thống”, xóa nhòa mọi cơ hội tìm kiếm hòa bình. Trong nỗ lực giảm căng thẳng, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi cả Nga và Ukraine tuân thủ "ba nguyên tắc để giảm leo thang tình hình", cụ thể là “không mở rộng chiến trường, không leo thang chiến sự và không đổ thêm dầu vào lửa"; đồng thời nhấn mạnh, Bắc Kinh sẵn sàng "đóng vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng". Nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong bối cảnh xung đột chưa có tín hiệu chấm dứt, ưu tiên hàng đầu lúc này là cần bảo đảm an toàn cho người dân trong các khu vực ảnh hưởng. Thực tế, chính quyền sở tại và Mátxcơva đã triển khai các phương án hỗ trợ, và tới nay đã có 121.000 người dân tại Kursk được sơ tán, 59.000 người khác đang trong quá trình sơ tán.

Nhìn chung, ưu tiên trước mắt lúc này với cả Nga, Ukraine cũng như cộng đồng quốc tế là kiểm soát và kiềm chế tình hình, tránh việc Kursk trở thành một ngòi nổ có thể tạo ra những hệ lụy không thể vãn hồi, đưa xung đột giữa khu vực vào quỹ đạo mới nguy hiểm hơn.