Hà Nội kết nối

Số ca nhiễm sởi gia tăng, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh triển khai 2 giải pháp khẩn cấp

Thu Hoài 13/08/2024 - 15:07

Đó là khẩn trương tiêm bù, tiêm bổ sung vắc xin sởi cho trẻ em từ 1-5 tuổi và nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân mắc sởi; chủ động rà soát trẻ thuộc nhóm nguy cơ để được bảo vệ.

a163.jpg
Biểu đồ thể hiện số ca nhiễm sởi gia tăng tại thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn: Sở Y tế TP Hồ Chí Minh

Ngày 13-8, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh thông tin, tính từ đầu năm 2024 đến nay, tổng số ca sốt phát ban nghi sởi được ghi nhận tại cộng đồng và cơ sở y tế trên địa bàn là 597 ca, trong đó, số ca dương tính với sởi là 346 ca (bao gồm 153 trẻ cư ngụ tại thành phố Hồ Chí Minh và 193 trẻ cư ngụ tại các tỉnh, thành khác).

Thành phố ghi nhận bệnh sởi đã xuất hiện tại 57 phường, xã thuộc 16/22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Do gián đoạn tiêm chủng trong và sau đại dịch Covid-19, tỷ lệ tiêm chủng sởi mũi 1 cho trẻ sinh năm 2023 trên địa bàn thành phố chỉ mới đạt 89,2% và chưa có quận, huyện nào đạt trên 95% (tỷ lệ bao phủ vắc xin sởi giúp phòng ngừa dịch sởi bùng phát). Đồng thời, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin sởi mũi 2 cho trẻ sinh năm 2019 đến năm 2022 cũng chưa đạt 95%.

a161.png
Ngành Y tế họp bàn các giải pháp ứng phó bệnh sởi. Nguồn: Sở Y tế TP Hồ Chí Minh

Để khẩn trương ứng phó, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã và đang triển khai các giải pháp quan trọng phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh sởi.

Một là, nhóm giải pháp tiêm bù, tiêm bổ sung vắc xin sởi. Theo đó, ngành Y tế thực hiện tiêm bù mũi vắc xin cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng nhưng chưa tiêm đủ mũi và triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi, bao gồm cả trường hợp trẻ mắc bệnh mạn tính mà không có chống chỉ định tiêm vắc xin. Các Trung tâm Y tế cấp huyện đang rà soát trẻ để tiêm bổ sung.

Hai là, nhóm giải pháp bảo vệ trẻ thuộc nhóm nguy cơ: Đặc biệt quan tâm bảo vệ nhóm trẻ có bệnh lý tim mạch, phổi, thận chưa được tiêm chủng, nhóm bị các bệnh có suy giảm miễn dịch, bệnh lý ác tính. Đây là những trường hợp có nguy cơ biến chứng nặng, tử vong khi nhiễm sởi. Triển khai khám sàng lọc, phân luồng cách ly các trường hợp sốt phát ban nghi sởi ngay tại khoa khám bệnh, bố trí bàn khám riêng đối với các trường hợp này nhằm hạn chế lây nhiễm chéo cho người bệnh khác. Trường hợp người bệnh mắc sởi bắt buộc điều trị tại khoa lâm sàng khác, phải bố trí khu vực cách ly riêng biệt, không bố trí chung buồng bệnh với các trường hợp khác.

a164(1).png
Bản đồ phân bố ca bệnh sởi tại thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn: Sở Y tế.

Theo PGS. TS, bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, cả hệ thống y tế cần khẩn trương triển khai các hoạt động tăng cường miễn dịch cộng đồng, đồng thời, các bệnh viện triển khai ngay các giải pháp bảo vệ trẻ thuộc nhóm nguy cơ, tất cả hướng đến mục tiêu làm giảm số ca mắc và hạn chế thấp nhất ca tử vong.